Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng vừa trở thành cổ đông lớn, Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng

Cập nhật: 12:31 | 20/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định số 749/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Chứng khoán APG (HOSE: APG).

Theo đó, Chứng khoán APG bị phạt 501,04 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể: Chứng khoán APG – tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hồ Hưng, thành viên HĐQT Công ty CP DAP - VINACHEM (UPCoM: DDV) thực hiện giao dịch bán hơn 1,03 triệu cổ phiếu DDV vào ngày 4/11/2022 và giao dịch bán 216.000 cổ phiếu DDV vào ngày 7/11/2022. (tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 12,526 tỷ đồng theo mệnh giá).

Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng vừa trở thành cổ đông lớn, Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng

Công ty CP Chứng khoán APG có báo cáo đề ngày 27/10/2022 về việc dự kiến giao dịch đối với 8.034.100 cổ phiếu DDV (từ ngày 3/11/2022 - 3/12/2022) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) nhưng không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) (nơi DDV đăng ký giao dịch)).

UBCKNN cho biết hình thức xử phạt bổ sung đối với Chứng khoán APG là công ty bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng, quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Quyết định xử phạt Chứng khoán APG của UBCKNN tại đây.

Đáng nói, trong quá khứ, Chứng khoán APG cũng để xảy ra nhiều vi phạm và nhận các quyết định xử phạt từ UBCKNN. Cụ thể, ngày 24/8/2023, Chứng khoán APG bị phạt 60 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu PSG sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Đến ngày 2/11, Chứng khoán APG tiếp tục nhận mức phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, trong nội dung hợp đồng ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán giữa công ty và nhà đầu tư chưa chỉ định người hành nghề chứng khoán thực hiện quản lý tài khoản giao dịch ủy thác.

Trước đó, cuối năm 2022, Chứng khoán APG thậm chí còn bị xử phạt gần 1 tỷ đồng do hàng loạt vi phạm trong lập hồ sơ chứng khoán, cho khách hàng vay tiền, tài liệu phát hành trái phiếu.

Ông Nguyễn Hồ Hưng trở thành cổ đông lớn của APG

Công ty CP Chứng khoán APG tiền thân là Chứng khoán An Phát được chính thức thành lập theo Giấy phép số 63/UBCK-GP của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 15/11/2007 với số vốn điều lệ là 1.536,2 tỷ đồng.

Ngày 23/9/2016, HOSE đã cấp Quyết định Niêm yết số 389/QĐ-SGDHCM cho phép Chứng khoán APG niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Ngày 30/11/2016, Cổ phiếu của Công ty đã chính thức giao dịch với mã chứng khoán là APG. Ngành nghề kinh doanh: Môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán.

Ban lãnh đạo Chứng khoán APG
Ban lãnh đạo Chứng khoán APG

Hiện, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG là ông Nguyễn Hồ Hưng (sinh năm 1970). Bên cạnh đó, ông Hưng còn từng là Thành viên HĐQT Độc lập tại Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HOSE: PLP), Chủ tịch HĐTV tại Công ty TNHH Khai thác & Chế biến Khoáng sản Barit Cao Bằng.

Trước đó, ông Hưng lần lượt trải qua các vị trí Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐTV tại Công ty CP Đầu tư Đông Âu, Công ty CP Khoáng sản Tây Giang và Công ty TNHH CKC từ năm 2007 đến 2013.

Tháng 9/2021, ông Nguyễn Hồ Hưng gây chú ý khi được đề cử và bổ nhiệm vào hội đồng quản trị Công ty CP Louis Capital (hiện nay là Công ty CP The Golden Group, mã chứng khoán TGG) nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/9/2021. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, ông Hưng đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí mới vừa được bổ nhiệm.

Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng vừa trở thành cổ đông lớn, Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng
Ông Nguyễn Hồ Hưng - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG

Trong khoảng thời gian này, Louis Capital đã mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại Chứng khoán APG với tỉ lệ nắm giữ 5,06%. Song đến cuối tháng 10/2021, Louis Capital đã bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu tại Chứng khoán APG và không còn là cổ đông lớn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/6 vừa qua, ông Nguyễn Hồ Hưng đã mua thành công 1 triệu cổ phiếu APG, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCK này lên mức 5,27% và chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty. Giao dịch được thực hiện từ ngày 10/5 - 1/6 theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận. Tạm tính mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hưng đã phải bỏ ra 14 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Trên thị trường, trong 3 phiên gần nhất, giá cổ phiếu APG diễn biến không mấy tích cực. Trong đó, chốt phiên gần nhất (19/7), thị giá APG giảm sàn về mức 11.400 đồng/cp, tương ứng mức giảm 6,94%. Tính trong vòng 1 tuần qua, APG đã bốc hơi 8,43% từ mức giá 12.700 đồng/cp (phiên 16/7). Nhìn rộng ra trong 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu APG đã giảm hơn 12% từ mức giá 13.650 đồng/cp (phiên 26/6).

Diễn biến giá cổ phiếu APG
Diễn biến giá cổ phiếu APG

Về Chứng khoán APG, mới đây CTCK này đã báo cáo đã mua tổng cộng 1,92 triệu cổ phiếu GKM của Công ty CP GKM Holdings trong hai ngày 12-13/06/2024, qua đó nâng sở hữu từ hơn 3,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10%) lên hơn 5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,08%). Tạm tính theo giá đóng cửa trung bình 35.100 đồng/cp tại thời điểm giao dịch, số cổ phiếu nói trên của APG có giá khoảng 67 tỷ đồng.

Mối quan hệ giữa Chứng khoán APG và GKM Holdings đã có từ nhiều năm, khởi đầu từ thời điểm APG đóng vai trò tư vấn cho thương vụ niêm yết lên sàn HNX của cổ phiếu GKM.

Thị giá GKM có thời gian đi ngang trong vùng 6.000-7.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) suốt 4 năm liên tiếp, từ tháng 7/2021 đến đầu năm 2022, giá cổ phiếu GKM bất ngờ tăng vọt lên vùng 40.000 đồng/cp. Đây cũng là thời điểm APG liên tục gom cổ phiếu GKM để thành cổ đông lớn.

Đến giữa tháng 6/2022, tỷ lệ sở hữu của Chứng khoán APG tăng lên 19,16% vốn điều lệ GKM và trở thành cổ đông lớn nhất. Từ năm 2023 đến tháng 3/2024, Chứng khoán APG liên tục mua bán cổ phiếu GKM nhưng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu trên 19% vốn. Tuy nhiên, trong tuần cuối cùng của tháng 3/2024 (từ 22-29/03), APG đã hạ sở hữu tại GKM xuống 10% vốn, trước khi gom thêm cổ phiếu để nâng sở hữu lên như hiện tại.

GKM Holdings (tên gọi cũ là Khang Minh Group) tiền thân là Công ty CP Gạch Khang Minh, được thành lập năm 2010. Không chỉ đổi tên, Công ty còn chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh từ mảng đá và nhôm sang đầu tư tài chính hướng tới trở thành Tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn - khá giống với cổ đông lớn APG.

Mới đây, Cục thuế tỉnh Hà Nam mới ban hành Quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty CP GKM Holdings tại Ngân hàng MB - Chi nhánh Hà Nam. Thông báo tiền thuế nợ số 4097/TB-CTHNA-KDT ngày 10/7/2024 của Cục thuế tỉnh Hà Nam, GKM Holdings nợ 5,5 tỷ đồng. Được biết, số tiền này nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Kinh doanh bết bát

Trong một diễn biến khác, sau Đại hội lần 1 bất thành, Chứng khoán APG thông báo hoãn tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2, lùi thời gian sang ngày 11/8, thay vì ngày 21/7/2024 như thông báo trước đó.

Trong năm 2024, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về điểm số lẫn thanh khoản, ban lãnh đạo công ty trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với doanh thu 390,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 239 tỷ đồng, tăng trưởng 47,5% và 42,55% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, Chứng khoán APG muốn tăng vốn điều lệ. Cụ thể, HĐQT APG dự kiến phát hành thêm gần 224 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cp.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 2.236 tỷ đồng sẽ được Công ty phân bổ cho hoạt động tự doanh (70%), còn lại bổ sung cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá (20%) và hoạt động môi giới (10%).

APG cũng dự kiến phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Chưa hết, Công ty sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến 12.000 đồng/cp. Thời gian chào bán trong năm 2024. Cổ phiếu phát hành trong cả hai phương án đều bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Ngoài ra, APG dự kiến trình kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9%, tương đương phát hành hơn 20 triệu cổ phiếu mới.

Nếu hoàn thành 100% các phương án trên, vốn điều lệ APG sẽ tăng lên gần 5.800 tỷ đồng. Hiện nhiều CTCK đã khởi động các kế hoạch tăng vốn để đón đầu cơ hội phát triển kinh doanh mà thị trường chứng khoán mang lại. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng sử dụng vốn hiệu quả.

Như tại Chứng khoán APG, kể từ khi niêm yết năm 2010, CTCK nơi ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch đã có 3 đợt chào bán cổ phiếu lớn vào năm 2010 (chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1), năm 2019 (chào bán riêng lẻ 20,5 triệu cổ phiếu) và giai đoạn cuối năm 2021 - đầu 2022 khi chỉ số VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm với giao dịch rất sôi động, Chứng khoán APG chào bán tổng cộng gần 180 triệu cổ phiếu bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ.

Tuy nhiên, sau khi chào bán cổ phiếu, kết quả kinh doanh của APG lại không được như kỳ vọng. Chỉ duy nhất lần chào bán năm 2019, Chứng khoán APG sử dụng vốn tương đối hiệu quả. Trong khi đó, năm 2011 và 2022, APG đều lỗ. Điều này khiến cổ đông lo ngại về rủi ro pha loãng sau các đợt chào bán cổ phiếu lớn tại APG.

Thêm nữa, việc dồn lượng lớn vốn dự kiến huy động được cho hoạt động tự doanh cũng khiến cồ đông "lo lắng". Bởi, kết thúc quý 1/2024, lãi sau thuế lao dốc tới 85% so với cùng kỳ, xuống còn 6 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 2,5% kế hoạch năm. Theo giải trình, APG cho biết chủ yếu do lỗ bán các tài sản tài chính trong kỳ tăng và chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ giảm. Điều này phần nào cho thấy hoạt động tự doanh kém hiệu quả dù thị trường diễn biến khởi sắc.

Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, APG ghi nhận doanh thu hoạt động vỏn vẹn 65 tỷ đồng, sụt giảm mạnh 52% so cùng kỳ. Trong đó sụt giảm mạnh nhất đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ còn 10 tỷ (giảm 91%)... Theo đó, lãi sau thuế cũng giảm 28,5% về mức 47 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng, lợi nhuận của APG cũng giảm gần phân nửa khi đạt 53 tỷ đồng.

Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng vừa trở thành cổ đông lớn, Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng

Tại thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản của APG tăng khá mạnh 61% so đầu năm, lên mức 2.945 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt chiếm 217 tỷ (tăng 78%), các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 663 tỷ (tăng 38%), các khoản cho vay chiếm 185 tỷ (tăng 78%). Đặc biệt các khoản phải thu tăng vọt gấp 5,2 lần lên 349 tỷ đồng chủ yếu là phải thu bán các tài sản tài chính. Hay trả trước cho người bán cũng vọt gấp 166 lần lên 332 tỷ đồng.

Chứng khoán APG đẩy mạnh các giao dịch mua bán cổ phiếu doanh nghiệp

Chỉ ít ngày sau khi thoái toàn bộ vốn tại Xuất nhập khẩu An Giang, Chứng khoán APG đã hoàn tất nâng sở hữu tại ...

Nhiều công ty quản lý quỹ bị UBCKNN xử phạt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối ...

Cổ phiếu GKM tăng "bốc đầu" sau nhiều phiên "gom hàng" từ Chứng khoán APG

Chỉ sau 1 tuần giao dịch, Chứng khoán APG đã mua thêm tổng cộng 1,9 triệu cổ phiếu GKM, nâng tỷ lệ sở hữu tại ...

Đức Anh

Tin liên quan