e magazine
Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng “ngã ngựa”: Từ quá khứ huy hoàng với tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô đến hiện thực phũ phàng

13:00 | 01/12/2023

Rời Đất Xanh để xây dựng “đế chế” tỷ đô cho riêng mình, thế nhưng khi tham vọng còn chưa thành, Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng đã vướng vào vòng lao lý.
Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng “ngã ngựa”: Từ quá khứ huy hoàng với tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô đến hiện thực phũ phàng

Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng vừa “ngã ngựa”: Từ quá khứ huy hoàng với tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô đến hiện thực phũ phàng

Rời Đất Xanh để xây dựng “đế chế” tỷ đô cho riêng mình, thế nhưng khi tham vọng còn chưa thành, Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng đã vướng vào vòng lao lý.

Ngày 30/11/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra hành vi “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Động thái này được thực hiện sau khi cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Cần biết, đây là vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi và đã có 5 cán bộ UBND huyện Trảng Bom bị khởi tố.

“Ngã ngựa” tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh

Hiện tại, hành vi sai phạm cụ thể của ông Hưng và các bị can khác vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, kết luận ban đầu của Thanh tra tỉnh Đồng Nai xác định, dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án, song LDG đã tổ chức thi công 680 căn nhà (198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong và 192 căn đang thi công dang dở) cùng hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, công viên cây xanh. Trong khi dự án chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, LDG đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhà cùng 60 khách hàng, với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Các khách hàng đã thanh toán từ 25-95% giá trị hợp đồng và có 7 hộ chuyển đến sinh sống.

Cần biết, dự án Khu đô thị Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park), có quy mô hơn 18ha với tổng mức đầu tư 1.290 tỷ đồng, vốn được LDG quảng cáo là khu đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống điện thông minh và năng lượng sạch. Ra mắt cuối năm 2018, chỉ vài tháng sau khi Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng công bố kế hoạch 5 năm, với việc thu hút hàng trăm lượt khách từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội đổ về giao dịch, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra trợ lực quan trọng, giúp LDG khởi đầu hành trình chinh phục mục tiêu trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam với quy mô 1,3 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, dự án liên tục dính lùm xùm và thường xuyên phải “đón” các đoàn thanh tra, không những không thể trở thành “cú hích” cho “giấc mộng tỷ đô” của Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng mà còn khiến ông vướng vào vòng lao lý.

Đáng nói, trước khi “ngã ngựa”, ông Hưng từng có một sự nghiệp đáng mơ ước.

“Công thần” của Đất Xanh

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Khánh Hưng sinh năm 1978 tại Quảng Bình. Sở hữu bằng cử nhân Luật nhưng ông lại “bén duyên” với bất động sản và đã gắn bó ngành này được gần hai thập kỷ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông Hưng đầu quân cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT và được xem là một trong những “khai quốc công thần” của Tập đoàn này. Năm 2004, doanh nhân gốc Quảng Bình đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh và giữ chức vụ này cho tới khi từ nhiệm vào tháng 1/2021.

Trong thời gian làm việc tại Đất Xanh, ông Nguyễn Khánh Hưng còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại cả Tập đoàn mẹ lẫn các công ty con, bao gồm: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất Xanh Đông Nam Bộ (2009 – 2019); Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất Xanh Miền Trung và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc (2010 – 2019); Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh (2014 – 2019).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2010 – 2019, ông Hưng còn giữ một số chức vụ tại các doanh nghiệp khác như: Chủ tịch Công ty CP Xây dựng FBV và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Unihomes.

Báo cáo thường niên của Đất Xanh ghi nhận, ông Hưng là người có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chiến lược phát triển của Tập đoàn. Ông cũng được mô tả là một trong những thành viên ban điều hành có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về thị trường, sản phẩm, cùng mối quan hệ thân thiết với các đối tác và đặc biệt là khả năng nắm bắt xu hướng thị trường, thấu hiểu tâm lý khách hàng. Điều này đã phần nào minh chứng cho năng lực của doanh nhân này.

Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng “ngã ngựa”: Từ quá khứ huy hoàng với tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô đến hiện thực phũ phàng

Đáng chú ý, không chỉ mang tới danh tiếng, Đất Xanh cũng là nơi khởi đầu “mối lương duyên” giữa ông Nguyễn Khánh Hưng và LDG. Tháng 12/2016, vài tháng sau khi Đất Xanh trở thành cổ đông lớn của LDG, ông Hưng (lúc này đang là Phó Chủ tịch HĐQT Đất Xanh) cũng nhậm chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của LDG thay nhà sáng lập Lê Kỳ Phùng.

Tháng 7/2020, Đất Xanh thoái sạch vốn tại LDG với lý giải rằng, do chiến lược và phạm vi hoạt động của hai doanh nghiệp cơ bản giống nhau, nên việc thoái vốn sẽ loại bỏ sự phát sinh xung đột lợi ích trong quá trình phát triển. Ngày 11/1/2021, chưa đầy nửa năm sau cuộc “chia tay” giữa Đất Xanh và LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT tại Đất Xanh vì lý do cá nhân.

Thời “hoàng kim” tại LDG và tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô

Việc ông Nguyễn Khánh Hưng “dứt áo ra đi” khỏi Đất Xanh được xem là động thái nhằm tập trung cho sự nghiệp riêng tại LDG, nơi ông làm Chủ tịch HĐQT. Không thể phủ nhận, những dấu ấn của ông Hưng tại LDG là vô cùng đậm nét.

LDG tiền thân là Công ty CP Địa ốc Long Điền, được thành lập vào tháng 8/2010 bởi doanh nhân Lê Kỳ Phùng với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 50 tỷ đồng. Dưới sự dẫn dắt của ông Phùng, sau 5 năm, doanh nghiệp chứng kiến một bước “đại nhảy vọt” khi đổi tên thành Công ty CP Đầu tư LDG, tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng và tiến hành niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Không chỉ vậy, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng trưởng đột biến.

Tuy nhiên, để nói về thời kỳ “hoàng kim” của LDG, thì đó lại là giai đoạn 2017 – 2019, thời kỳ mà ông Nguyễn Khánh Hưng nắm quyền. Năm 2017, năm đầu tiên được ông Hưng dẫn dắt với vai trò Chủ tịch HĐQT, LDG ghi nhận sự thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh khi bước vào phân khúc căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh, với ba dự án mang thương hiệu Intela là Saigon Intela, High Intela và West Intela. Song song với đó, doanh nghiệp vẫn phát triển các dự án cũ như Khu du lịch thác Giang Điền, Khu đô thị dành cho chuyên gia Sakura Valley, Khu biệt thự Giang Điền. Kết thúc năm 2017, lợi nhuận của LDG tăng gấp 1,7 lần, đạt hơn 283 tỷ đồng, xô đổ kỷ lục dưới thời ông Phùng.

Năm 2018, năm thứ hai tại nhiệm của ông Hưng, LDG tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và tiếp tục đổi mới. Theo đó, doanh nghiệp thoái sạch vốn tại dự án Grand World Phú Quốc và Khu du lịch Giang Điền, rút khỏi ngành du lịch nghỉ dưỡng để tập trung đầu tư, phát triển bất động sản. Kết quả, năm 2018, kết quả kinh doanh của LDG lập kỷ lục với doanh thu đạt xấp xỉ 1.719 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 604 tỷ đồng. Cũng trong năm 2018, Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng công bố kế hoạch 5 năm, hướng LDG tới mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam với quy mô 1,3 tỷ USD vào năm 2022.

Năm 2019 vẫn tiếp tục là một năm rực rỡ trong sự nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng khi LDG đạt được thoả thuận gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay, huy động thành công 350 triệu USD từ quỹ đầu tư Evercore thông qua Công ty Quản lý RedBrick Capital cho dự án Bãi Bụt – Đà Nẵng. Mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh nhưng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức trên 600 tỷ đồng.

Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng “ngã ngựa”: Từ quá khứ huy hoàng với tham vọng xây dựng “đế chế” tỷ đô đến hiện thực phũ phàng

Tháng 6/2020, sự kiện Đất Xanh thoái vốn đã trở thành cơ hội, cũng là thách thức đối với LDG cũng như cá nhân ông Hưng trong việc xoá bỏ định kiến “cái bóng của Đất Xanh” và xác lập vị thế của riêng mình. Không lâu sau “cuộc chia tay”, LDG Group công bố 5 dự án chiến lược với tổng vốn đầu tư lên tới 61.000 tỷ đồng, đồng thời ký hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Quản lý quỹ đầu tư S.A.M (Saigon Asset Management). Đáng chú ý, các dự án này không mang thương hiệu Intela mà gắn liền với thương hiệu LDG, bao gồm: LDG Sky, LDG River, LDG Grand Miền Nam, LDG Grand Miền Trung và LDG Grand Miền Bắc. Tuy nhiên, 2020 lại không phải là một năm kinh doanh hiệu quả của LDG khi lợi nhuận sau thuế lao dốc trầm trọng, bất chấp doanh thu tăng vọt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn phải đối mặt với loạt lùm xùm dai dẳng tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh. Trong suốt 2 năm 2021 – 2022 sau đó, kết quả kinh doanh của LDG cũng không mấy khả quan.

“Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của LDG chỉ đạt vỏn vẹn 486 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó âm 209 tỷ đồng. Kết quả này khiến mục tiêu thu về 1.448 tỷ đồng doanh thu và 3,9 tỷ lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp trở nên hoàn toàn bất khả thi.

Bên cạnh các vấn đề về tình hình tài chính doanh nghiệp, LDG cũng như ông Nguyễn Khánh Hưng còn đánh mất niềm tin các nhà đầu tư khi ông Hưng từng “bán chui” cổ phiếu.

Cũng cần nói thêm, cuối năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng từng bị bán giải chấp số lượng lớn cổ phiếu. Đến giữa tháng 5/2023, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, khiến tỷ lệ sở hữu của ông Hưng tại LDG giảm mạnh, xuống còn 3,92%, đồng nghĩa với việc mất quyền cổ đông lớn. Điều này cũng làm cho LDG trở thành doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán “vắng bóng” cổ đông lớn, 100% cổ phần do cổ đông nhỏ nắm giữ.

Trên thị trường, cổ phiếu LDG kết phiên 30/11 giảm 1,9% về mức 3.700 đồng/cp; khối lượng giao dịch vỏn vẹn 1,1 triệu đơn vị. Bước sang phiên giao dịch sáng nay (1/12), cổ phiếu LDG đã nhanh chóng nằm sàn với khối lượng dư bán khá lớn. Trước đó, mã từng ghi nhận giai đoạn đỉnh cao hồi cuối năm 2021 khi giá cổ phiếu ở ngưỡng 25.0 - 26.x đồng và thanh khoản trung bình từ 10 - 30 triệu cp/phiên.

Nội soi quỹ đất và loạt dự án đầy tai tiếng của LDG Group

Sở hữu loạt quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group) là một trong ...

Vi phạm công bố thông tin, Đầu tư LDG (LDG) bị phạt 130 triệu đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ...

Chủ tịch LDG chính thức bị bắt, giá cổ phiếu có thể giảm sâu

Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch của Công ty CP Đầu tư ...

Hà Lê