Chủ tịch Hòa Phát (HPG) nói về việc không chia cổ tức tiền mặt năm thứ ba liên tiếp
Tại ĐHCĐ 2025, Hòa Phát (HPG) điều chỉnh cổ tức 2024 từ 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu sang chia 20% cổ phiếu. Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh đây là động thái phòng thủ sau thông tin thuế Mỹ.
Sáng ngày 17/4/2025, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, với sự tham dự của hơn 1.000 cổ đông, đại diện cho khoảng 194.000 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán và nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là thông tin liên quan đến thuế quan đối ứng từ Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam kể từ đầu tháng 4.
.jpg)
Một trong những nội dung được chú ý nhất tại Đại hội là việc Hòa Phát điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024. Theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp dự kiến chia 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Tuy nhiên, ngay trước thềm Đại hội, ban lãnh đạo đã đề xuất điều chỉnh toàn bộ sang cổ phiếu với tỷ lệ 20%, đồng nghĩa với việc cổ đông sẽ không nhận cổ tức tiền mặt trong năm nay. Như vậy, đây là năm thứ ba Hòa Phát không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

Với phương án điều chỉnh, Hòa Phát dự kiến phát hành thêm khoảng 1,28 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ lên khoảng 77.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lý giải cho quyết định bất ngờ này, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ thẳng thắn: "Ngay sau ngày 2/4, khi có thông tin về thuế quan, chúng tôi lập tức chuyển sang trạng thái phòng thủ. Đây là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để bảo vệ nguồn lực tài chính trong bối cảnh bất định".
Ông Long đồng thời ghi nhận và bày tỏ sự cảm kích trước sự chia sẻ và đồng thuận của cộng đồng cổ đông về động thái này.
Dù dừng chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định đây không phải là tiền lệ và nếu tình hình ổn định trở lại, từ năm 2026, doanh nghiệp sẽ nối lại truyền thống chi trả cổ tức tiền mặt – yếu tố được ông Long đánh giá là "một phần bản sắc quốc dân của Hòa Phát".

Tại đại hội, Hòa Phát cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng, với mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng – tăng 21% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 25% so với kết quả thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là doanh thu cao nhất lịch sử của tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam.
Riêng quý I/2025, Hòa Phát ước tính đạt doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành kế hoạch năm, ông Long cho biết ba quý còn lại, Hòa Phát cần mỗi quý lãi ít nhất 4.000 tỷ đồng – một mục tiêu không dễ nhưng theo ông là “vừa là thách thức, vừa là cơ hội”.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Hòa Phát dự kiến: Trích 600 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, 250 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng – phúc lợi, 120 tỷ đồng để trả thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát, 100 tỷ đồng cho ban điều hành, tương đương 5% phần lợi nhuận vượt kế hoạch.
Kết thúc năm 2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 12.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành thép và bất động sản công nghiệp.