Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân nói về bài toán nhà ở của người trẻ
Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân đề xuất cần có chính sách riêng hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà, tương tự ưu đãi nhà ở xã hội. Ông nhấn mạnh việc sở hữu nhà sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời kiến nghị triển khai gói tín dụng 30–40 năm dành cho người trẻ.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ” diễn ra ngày 3/4/2025, TS Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) – đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý liên quan đến vấn đề tiếp cận nhà ở của người trẻ tại Việt Nam.

Theo ông Tuấn, nhóm "người trẻ" được xác định trong độ tuổi từ 18 đến 34, trong đó cần tách thành hai nhóm đặc thù về hành vi và nhu cầu. Nhóm đầu tiên là từ 18–23 tuổi – đa phần đang theo học đại học hoặc mới tốt nghiệp, thường có nhu cầu thuê nhà hoặc ở ký túc xá. Nhóm còn lại, từ 24–34 tuổi, bước vào giai đoạn ổn định hơn về thu nhập, bắt đầu xuất hiện nhu cầu sở hữu nhà để an cư.
Hiện tại, các nhóm đặc thù như công nhân, người nghèo đô thị – nông thôn hay lực lượng vũ trang đều đã có chính sách hỗ trợ nhà ở riêng. Tuy nhiên, người trẻ – đặc biệt nhóm từ 24 đến dưới 35 tuổi, lại chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ tiếp cận nhà ở, dù đây là lực lượng lao động chủ lực, đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Ông Tuấn nhận định, chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) được Chính phủ đề ra là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây vẫn là con số tối thiểu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt tại các đô thị lớn. Chẳng hạn, TP.HCM với dân số khoảng 14 triệu người, đặt mục tiêu xây dựng 100.000 căn NOXH đến năm 2030 là quá thấp. Nếu tính thêm khu vực vệ tinh như Bình Dương, Vũng Tàu, nhu cầu còn lớn hơn nhiều.
Để giải bài toán này, ông Tuấn đề xuất thúc đẩy xã hội hóa quỹ đất và chính sách phát triển NOXH. "Doanh nghiệp nên chủ động bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội với mức giá hợp lý, thay vì chỉ chờ phân bổ. Đồng thời, cần có chính sách riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà với cơ chế ưu đãi tương đương NOXH hiện nay", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, sở hữu nhà sẽ giúp người trẻ thêm động lực để học tập, làm việc, từ đó đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế quốc dân.
Đối với nhóm sinh viên – đặc biệt là nhóm tuổi từ 18–23, ông Tuấn cho rằng nhu cầu sở hữu nhà chưa cao, nhưng lại rất cần một hệ thống ký túc xá khang trang, giá hợp lý, an toàn. Việc xây dựng thêm các khu ký túc xá tập trung sẽ giảm áp lực thuê trọ, đồng thời góp phần hạn chế những rủi ro về an ninh và chi phí sinh hoạt.
Trong khi đó, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Giá thuê đất tại TP.HCM và vùng phụ cận rất cao, khiến việc xây nhà lưu trú trở nên kém hấp dẫn. Do đó, cần có thêm cơ chế cho tổ chức công đoàn và doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân với giá hợp lý và điều kiện sống đảm bảo.
Một điểm được ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh là cần xây dựng các gói tín dụng hỗ trợ dài hạn cho người trẻ – có thể kéo dài 30 đến 40 năm. Nếu được hỗ trợ lãi suất ưu đãi, người trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận nhà ở và sớm ổn định cuộc sống, tạo động lực phát triển bền vững cho quốc gia.
Theo ông, mục tiêu giúp người trẻ có nhà ở khi bước vào giai đoạn trưởng thành không chỉ mang ý nghĩa an cư, mà còn là bước đệm để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế. Việc sớm ban hành và triển khai các chính sách riêng cho nhóm người trẻ sẽ tạo cú hích lớn cho cả thị trường bất động sản lẫn chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.