Chủ nợ hàng chục nghìn tỷ đồng của Đèo Cả (HHV) là ai?

Cập nhật: 13:37 | 05/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Liên danh gồm Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) vừa được công bố trúng gói thầu quản lý, vận hành đoạn La Sơn – Túy Loan, thuộc Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc trúng nhiều gói thầu trong thời gian gần đây, HHV cũng chịu áp lực lớn từ khoản vay lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, PGĐ Khu quản lý đường bộ III vừa ký Quyết định 1344/QĐ-KQLĐBIII phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói quản lý, vận hành, bảo dưỡng thường xuyên đường Hồ Chí Minh đoạn K35+540 – Km65+801,98 (gồm cả hầm Mũi Trâu), thuộc Dự án công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, địa phận Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Theo Quyết định, trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên.

Một phần nội dung quyết định vừa được lãnh đạo Khu quản lý đường bộ III ký
Một phần nội dung quyết định vừa được lãnh đạo Khu quản lý đường bộ III ký

Gói thầu có giá dự toán : 88.632.920.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh rất sít sao, ở mức 88.455.069.000 đồng. Thời gian thực hiện gói thầu từ 1/9/2023 đến 1/9/2026. Kết quả mở thầu trước đó cho thấy liên danh nêu trên là nhà thầu duy nhất tham gia.

Đáng chú ý, liên danh này cũng là nhà thầu từng được lựa chọn thực hiện gói thầu nêu trên trong giai đoạn từ 1/9/2022 đến 31/8/2023. Giá trị trúng thầu cho hợp đồng 12 tháng này là hơn 27 tỷ đồng.

Theo ghi nhận chỉ trong ít ngày cuối tháng 8/2023, Đèo Cả (HHV) dồn dập trúng các gói thầu từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài gói thầu nêu trên, có thể kể đến gói xây lắp đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng, 956,6 tỷ đồng); hay gói tuần tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng xe buýt, sơn sữa chữa điểm dừng (48,7 tỷ đồng)…

Trước đó trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này và công ty mẹ là Tập đoàn Đèo Cả được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư công, với việc liên tiếp trúng thầu, được chỉ định thầu thực hiện các gói xây lắp hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ nợ hàng chục nghìn tỷ đồng của Đèo Cả (HHV) là ai?
Nội dung đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của liên danh Đèo Cả, nhà thầu duy nhất tham gia gói thầu

Trong khi đó, thành viên còn lại của liên danh là Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên là nhà thầu rất quen thuộc tại Khu quản lý đường bộ III. Theo ghi nhận trong vài tháng qua, doanh nghiệp này đã trúng loạt gói thầu tại chủ đầu tư này, như: Xử lý điểm tiềm ẩn TNGT tại vị trí Km1301+900 – Km1302+150, QL 1A, tỉnh Phú Yên (3,2 tỷ đồng); Sửa chữa mặt đường đoạn Km1292+00 - Km1295+00, QL 1A, tỉnh Phú Yên (35,6 tỷ đồng); Sửa chữa mặt đường đoạn Km1265+500 - Km1266+00, Km1266+500 - Km1267+00, Km1267+500 - Km1269+200, QL 1A, tỉnh Phú Yên (30,5 tỷ đồng).

Hé lộ về chủ nợ lớn nhất của HHV: Ngân hàng Công thương Việt Nam

Tại thời điểm 30/6/2023, nợ phải trả của Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã vượt mức 27.515 tỷ đồng, gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, khoản vay và nợ thuê tài chính đều rất lớn.

Nợ ngắn hạn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng khối nợ của HHV, tuy nhiên vẫn ở mức hơn 1.065 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm 2023.

Trong khi đó về dài hạn, khoản vay và nợ thuê tài chính của HHV lên đến hơn 19.309 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội đang là chủ nợ lớn nhất của HHV, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Hầm Mũi Trâu thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan
Hầm Mũi Trâu thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan

Ở ngắn hạn, tại thời điểm 30/6/2023 HHV đang vay nhà băng này 839 tỷ đồng, ngoài ra còn có 361,5 tỷ đồng khoản nợ dài hạn đến hạn trả. Về dài hạn (trên 5 năm), HHV có khoản nợ hơn 18.351 tỷ đồng tại ngân hàng này, bên cạnh đó là 361,5 tỷ đồng vay đến hạn trả.

Như vậy có thể thấy Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội đang rất tích cực tài trợ vốn cho HHV trong thời gian qua, đặc biệt là trong dài hạn. Đổi lại, HHV phải thế chấp quyền thu phí loạt dự án BOT tại nhà băng này.

Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Việt Á – Chi nhánh Hà Nội cũng đang là chủ nợ lớn trong dài hạn của HHV với khoản tín dụng hơn 1.148,9 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền thu phí dự án BOT; phần vốn góp của HHV và ĐTMT Hà Thành vào Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT.

Đáng chú ý tại Đà Nẵng, HHV thế chấp cả cà vẹt xe ô tô, cổ phiếu, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà tại căn hộ Plaza; quyền đòi nợ từ các hợp đồng do Vietinbank cấp tín dụng để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng.

Cao Thái