Chọn kênh đầu tư thời nhiều biến số

Cập nhật: 07:20 | 19/07/2022 Theo dõi KTCK trên

“Bất ổn” và “bất định” là hai "từ khóa" đầu tiên được TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia hơn một lần nhắc đến tại buổi toạ đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/7/2022, khi ông nói về bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại và sắp tới.

Thế giới chủ quan

Ông Nghĩa nhận định, thời gian đầu xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã chủ quan khi cho rằng hàng chục nghìn tỷ USD in ra để tài trợ chống dịch và kích thích kinh tế phục hồi sẽ không có tác động gì lớn, sẽ được trung hoà một cách đơn giản khi dịch bệnh qua đi. Trong hai năm 2020 - 2021, Mỹ đã in tiền với giá trị 29% GDP. Hậu quả là lạm phát tháng 6/2022 của Mỹ tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ cao nhất tại quốc gia này trong vòng 4 thập kỷ qua.

Thế giới bất ổn, nhưng bức tranh vĩ mô lẫn vi mô tại Việt Nam đều tích cực.
Thế giới bất ổn, nhưng bức tranh vĩ mô lẫn vi mô tại Việt Nam đều tích cực.

Một bất ổn khác là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraine dự báo còn kéo dài và để lại những hậu quả khó lường.

Ngoài ra, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực… đều là hệ luỵ của 2 bất ổn nêu trên, càng làm cho lạm phát toàn cầu tăng cao.

Để chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất điều hành và để lại những hệ luỵ: thị trường chứng khoán có đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong vòng vài chục năm gần đây, lãi suất USD tăng kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm cao hơn kỳ hạn 10 năm.

“Trong lịch sử, hiện tượng lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài xảy ra 28 lần, trong đó 22 lần đi kèm với khủng hoảng kinh tế sau đó”, ông Nghĩa cảnh báo.

Lạm phát cao của kinh tế thế giới đã tác động vào Việt Nam theo đường nhập khẩu.

“Chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6/2022 lên tới 11% và sẽ dần đi vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”, ông Nghĩa nói.

Nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cắt bớt tín dụng của những kênh đầu tư rủi ro (bất động sản, chứng khoán…) để dành nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên phục hồi kinh tế.

Yếu tố có tính chất chi phối thị trường chứng khoán toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 là rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị RB Group cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra, vì nguồn vốn vay ngân hàng hạn chế và phát hành trái phiếu không còn dễ dàng. Từ tháng 4/2022, khi một số ngân hàng thông báo hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp lập tức sụt giảm. Vốn vay đầu vào để triển khai dự án đã khó, việc ngân hàng thắt chặt tín dụng cũng làm cho khách hàng bí nguồn vốn, giảm nhu cầu mua bất động sản.

Trên sàn chứng khoán, chỉ số VN-Index hiện giảm khoảng 23% so với đầu tháng 4/2022, từ trên 1.520 điểm xuống dưới 1.180 điểm; thanh khoản sàn HOSE giảm từ mức bình quân hơn 26.400 tỷ đồng/phiên trong tháng 3 xuống trên dưới 10.000 tỷ đồng/phiên trong nửa đầu tháng 7.

Chiến lược đầu tư cần linh hoạt

Trong bối cảnh thế giới bất ổn và bất định, phần lớn khuyến nghị của chuyên gia kinh tế đều hướng nhà đầu tư đến chiến lược đầu tư dài hạn, với nguyên lý trong nghịch cảnh luôn tồn tại cơ hội mới, nhất là khi hầu hết tài sản bỗng trở nên rẻ hơn trước rất nhiều.

Ông Ngọc cho rằng, đây là giai đoạn thể hiện sức mạnh tài chính của các chủ đầu tư và sức mạnh kiến thức của nhà đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư có nguồn lực mạnh mẽ, ít phụ thuộc đòn bẩy tài chính vẫn có điều kiện để triển khai các dự án hoặc tiến hành M&A, giải phóng mặt bằng… để chuẩn bị cho một chu kỳ kinh doanh mới.

Lãnh đạo RB Group chia sẻ: “Tôi thích câu nói “hôm nay khó khăn, ngày mai có thể khó khăn hơn nữa, nhưng ngày kia sẽ là một ngày tuyệt vời”. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư cá nhân lựa chọn được các khu vực bất động sản tiềm năng như hưởng lợi từ đầu tư công, ưu đãi vốn FDI, có tiềm năng du lịch và có tầm nhìn, kỹ năng đầu tư tốt thì hoàn toàn có thể chiến thắng được thị trường trong trung và dài hạn”.

Bởi lẽ, thị trường lại đang có nhiều điểm cộng trong trung và dài hạn như kinh tế hồi phục mạnh mẽ, giai đoạn 2020 - 2030 được coi là thập kỷ đầu tư công, sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản...

Đối với kênh chứng khoán, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận xét, sau đợt điều chỉnh vừa qua, thị trường chứng khoán đang hấp dẫn trong bối cảnh bức tranh vĩ mô lẫn vi mô đều tích cực.

“Thị trường đang rất rẻ để đầu tư dài hạn, trong điều kiện duy trì được bức tranh vĩ mô này trong ít nhất 1 - 2 năm tới. Nếu chúng ta chờ thời điểm thật an toàn mới giải ngân thì rõ ràng sẽ không thể có mức chiết khấu tốt”, ông Đức Anh nêu quan điểm.

Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) bình quân các doanh nghiệp trên HOSE năm 2022 đạt 15,1%, mục tiêu P/E của VN-Index cuối năm nay là 14,3 lần, tương đương chỉ số đạt 1.418 điểm. Kịch bản này đã tính đến một phần khả năng kinh tế Mỹ suy thoái (nếu suy thoái thật thì P/E khoảng 11 lần), còn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ở trạng thái bình thường, P/E hợp lý của VN-Index là 16,5 lần, tương đương bình quân 5 năm gần nhất.

Gợi ý cho nhà đầu tư về nhóm cổ phiếu tiềm năng trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Đức Anh cho biết, thị trường càng bất định thì việc phân tích xu hướng ngành càng quan trọng. Đơn cử, sau sự kiện Tân Hoàng Minh, cổ phiếu bất động sản lao dốc và cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng theo.

“Nhóm cổ phiếu đầu tiên tôi hướng đến là bán lẻ, bởi vì lạm phát dự kiến dưới 4% mà GDP có khả năng tăng 7%. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng sẽ tăng trưởng mạnh và hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế. Nhà đầu tư cần quan sát doanh nghiệp nào trong giai đoạn giãn cách đã hưởng lợi thì bây giờ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại, còn nhóm nào đã bị dồn nén thì bây giờ có thể có sức bật mạnh hơn. Sau bán lẻ, ngân hàng cũng là nhóm cần quan tâm, do có triển vọng trong dài hạn. Mặt khác, sớm muộn gì Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng và cổ phiếu “vua” sẽ hồi phục trong bối cảnh đó”, vị chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam nói.

Vậy nhà đầu tư nên tự đầu tư hay thông qua quỹ? Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ

Vietcombank so sánh một cách hình ảnh rằng, chúng ta ai cũng có thể tự may quần áo, nhưng thợ may sẽ may đẹp hơn. Bởi vậy, nhà đầu tư cần tự trả lời xem mình có kiến thức chuyên môn không, tỷ lệ thành công có cao không?

Bà Nga cho hay, trong 6 tháng cuối năm nay, Công ty sẽ tăng cường nắm giữ các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng trong dài hạn, doanh nghiệp có đội ngũ quản lý tốt, hưởng lợi từ đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Du lịch khởi sắc, cổ phiếu có triển vọng dài hạn

Ngành du lịch đang hồi sinh sau hai năm đóng băng vì dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh dần khởi sắc, cổ phiếu ngành này ...

Phương pháp hiệu quả để đa dạng hóa và kiểm soát rủi ro danh mục

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư rất quan trọng để quản lý rủi ro, TCInvest cung cấp cho NĐT các công cụ, tiện ...

Dò đáy trung hạn

Sau khi tạo đáy lần 2 kể từ đầu năm 2022, thị trường đã có một số phiên giao dịch khởi sắc, nhưng đáy trung ...

Minh Minh

Nguồn Tin nhanh Chứng khoán