Chịu áp lực điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng "bước lùi" phiên cuối tuần

Cập nhật: 20:02 | 23/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Phiên giao dịch 23/9, cổ phiếu ngân hàng lùi bước và thậm chí là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index với tỷ lệ giảm 0,49 điểm phần trăm.

Chịu áp lực điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng
Chịu áp lực điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng "bước lùi" phiên cuối tuần (Ảnh minh họa)

Đà phục hồi của thị trường chứng khoán bị chắn ngang sau thông tin tăng lãi suất điều hành chiều qua từ ngân hàng nhà nước khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng.

Trong phiên giao dịch sáng các chỉ số có vài lần tăng điểm trở lại và số lượng cổ phiếu tăng áp đảo. Tuy nhiên, ở phiên giao dịch chiều áp lực bán xuất hiện khiến đa số cổ phiếu và chỉ số đóng cửa giảm trở lại. Nhóm ngành Bảo hiểm tăng nổi bật trong phiên hôm nay, nhóm Dầu khí tăng nhẹ và các nhóm ngành khác phân hóa hoặc điều chỉnh.

VN-Index kết phiên ở 1.203,28 điểm (-11,42 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1.215,41 điểm (-13,53 điểm). Thanh khoản tương đương phiên giao dịch hôm qua và thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt mức gần 10.500 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường hơi tiêu cực trở lại với số mã tăng điểm chiếm 31%; số mã đi ngang chiếm 15% và 54% số cổ phiếu giảm điểm. Khối nhà đầu tư ngoại bán ròng nhẹ với quy mô gần 300 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: VND; KDH; STB; VCB; CII…

Phiên này, thời gian càng trôi về cuối, cổ phiếu ngân hàng càng nới rộng đà giảm và lấy đi 0,48 điểm phần trăm, chiếm quá nửa tỷ lệ giảm của VN-Index. Trong đó, cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường VCB giảm mạnh tới 2,7% xuống còn 75.900 đồng/cp. Theo đó, mã này đã lấy đi hơn 2,5 điểm của chỉ số và là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường.

Chiều giảm còn ghi nhận thêm 19 cổ phiếu nhà băng khác, trong đó hầu hết các bluechip trên sàn HOSE có biên độ dao động lớn hơn so với các mã trên sàn HNX và thị trường UPCoM.

Điển hình như cổ phiếu STB giảm 2,3% xuống thị giá 21.450 đồng/cp. Theo sau là các mã VPB (tỷ lệ giảm 1,9%), SHB (1,9%), HDB (1,6%), CTG (1,6%), TPB (1,2%), MBB (1,2%), BID (1,1%), TCB (1%)...

Về thanh khoản, dòng tiền vẫn rời khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi không có mã nào khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị, theo đó thanh khoản toàn ngành chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, kênh thoả thuận có một số giao dịch đáng chú ý như ACB (147 tỷ đồng), EIB (111 tỷ đồng)...

Đối với khối ngoại, nhóm này mạnh tay xả cổ phiếu ngân hàng mạnh nhất thị trường trong phiên hôm nay, tương đương quy mô bán ròng hơn 92 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi các mã quen thuộc như STB (33,5 tỷ đồng), VCB (32 tỷ đồng), CTG (17 tỷ đồng)...

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

VNDirect: Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của Chứng khoán VNDirect, các chuyên gia của công ty này cho rằng mặt bằng lãi suất tiền ...

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ

Ngày 23/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý III/2022. Tại đây, Phó ...

Vì sao Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành?

Sáng ngày 23/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo quý III/2022 ngay sau khi công bố tăng loạt lãi ...

Hoàng Hà