Chính phủ đề nghị tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế xăng dầu

Cập nhật: 05:54 | 20/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 18/7/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 209/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá được tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp và hiện cơ bản kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. CPI tháng 6 năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12 năm 2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh lạm phát của nhiều nước trên thế giới tăng cao, những kết quả đạt được từ công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát ở nước ta trong nửa đầu năm 2022 có sự đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, trong 6 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tác động đan xen trong đó có tác động từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt của nhiều nước tác động đến tỷ giá trong nước, những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ từ đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá. Do đó, công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung nắm bắt tình hình, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những giải pháp phù hợp trong điều kiện, dư địa cho phép.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo từ đầu năm đến nay về công tác điều hành giá năm 2022 của Ban chỉ đạo điều hành giá (văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 của Văn phòng Chính phủ), các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cập nhật tình hình, triển khai các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao một cách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, góp phần giữ chỉ số CPI theo mục tiêu Quốc hội đề ra, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:

Các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, khuyến khích tiêu dùng tại chỗ đối với một số mặt hàng để giảm chi phí vận chuyển.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước; thực hiện chính sách điều hành lãi suất, điều hành tín dụng hợp lý, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường ngoại tệ…

Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường; theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng để thông báo kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa thị trường.

Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26

Sáng 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của ...

Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các ...

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua

Thông tin từ chinhphu.vn, những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/7/2022 gồm có: ...

Lâm Tuyền

Tin cũ hơn
Xem thêm