Chuyển động

Chính phủ chỉ đạo 2 đơn vị bắt tay làm ngay một việc tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Cao Trung 08/07/2025 19:37

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuẩn bị hành lang pháp lý cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Phó thủ tướng có chỉ đạo nóng tới 2 Bộ.

Thông tin từ Báo Chính phủ, chiều 8/7, tại cuộc họp về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu phân loại rõ ràng các nhóm tiêu chuẩn, coi đây là điều kiện tiên quyết để lựa chọn công nghệ và đối tác đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

duongsatcaotocbacnam90.png
2 Bộ cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, cùng các chuyên gia liên quan, xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho đường sắt tốc độ cao, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành

Phân loại tiêu chuẩn: Chung và riêng

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết hiện đã có 517 bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao, gồm 218 tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và 299 từ nước ngoài. Các nhóm chính bao gồm: xây dựng công trình, hệ thống công nghệ kỹ thuật đường sắt, thiết bị nhà ga, hạ tầng kỹ thuật – môi trường, an toàn – cảnh báo, cùng một số lĩnh vực đặc thù khác.

Tuy nhiên, do Việt Nam chưa lựa chọn nhà đầu tư cũng như công nghệ cụ thể, nên việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho toàn tuyến mới dừng ở mức chuẩn bị. Giai đoạn triển khai đồng bộ sẽ bắt đầu từ năm 2025 đến 2026 – sau khi xác định công nghệ, đối tác và mô hình triển khai.

Bộ Xây dựng cho biết đã thu thập hệ thống tiêu chuẩn nước ngoài từ các quốc gia có nền đường sắt hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Một số hạng mục như kết cấu cầu, kết cấu bê tông, hạ tầng ga… có thể áp dụng tiêu chuẩn trong nước, nhưng với các cấu kiện đặc thù như ray dài 100m, đầu máy, hệ thống tín hiệu – điều khiển… thì bắt buộc phải sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

Với tinh thần chủ động, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định: “Các đơn vị thiết kế hoàn toàn có thể triển khai dự án mà không gặp vướng mắc lớn về tiêu chuẩn kỹ thuật nếu được phân nhóm và làm rõ mục tiêu áp dụng”.

Tiêu chuẩn "chung" không phụ thuộc nhà sản xuất

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ này đã ban hành 35 tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt tốc độ cao ở mức “chung” – tức không gắn với bất kỳ nhà sản xuất hay quốc gia cụ thể nào. Hiện nay, Bộ cũng đang đề xuất bổ sung thêm 42 tiêu chuẩn kỹ thuật khác, hướng tới việc hoàn thiện khung pháp lý để chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận quá trình này phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, các tiêu chuẩn cần được phân loại thành hai nhóm: tiêu chuẩn chung áp dụng phổ quát và tiêu chuẩn riêng đi kèm công nghệ cụ thể do nhà thầu đề xuất. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến tại các quốc gia đã triển khai đường sắt tốc độ cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu thống nhất tiêu chuẩn, phục vụ lựa chọn công nghệ

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học & Công nghệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc phân loại, rà soát, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện tiên quyết, không chỉ để triển khai thiết kế – thi công mà còn là căn cứ để đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ rà soát toàn bộ 218 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện có của Việt Nam và 35 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao đã được ban hành, tiến tới xác định “bộ tiêu chuẩn lõi” cho hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây sẽ là khung tham chiếu để các nhà đầu tư quốc tế đưa ra đề xuất kỹ thuật, công nghệ và phương án hợp tác.

2 Bộ cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, cùng các chuyên gia liên quan, xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho đường sắt tốc độ cao, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn có nguồn gốc nước ngoài cần đảm bảo hài hòa hóa với pháp luật Việt Nam, đồng thời tuân thủ chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và khả năng nội địa hóa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận trong cuộc họp: “Tiêu chuẩn là gốc rễ của công nghệ, là nền tảng của phát triển. Xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ sẽ quyết định tính khả thi và thành công của đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam”.

Đến nay, đã có rất nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án. Trong đó, nổi bật có Vingroup thông qua công ty thành viên VinSpeed, Trường Hải Auto (THACO), liên danh Mekolor – Great USA. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hạ tầng trong nước như FECON, Ricons, Lizen, Đèo Cả cũng đã công bố kế hoạch mở rộng sang mảng đường sắt tốc độ cao, sẵn sàng tham gia vào thi công các cấu phần như nền móng, cầu cạn, hầm xuyên núi…

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chính phủ chỉ đạo 2 đơn vị bắt tay làm ngay một việc tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO