Chiến lược phòng thủ thời lạm phát

Cập nhật: 17:03 | 15/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo chuyên gia, Fed đang phải đối mặt với áp lực lạm phát cao, nhưng nếu mạnh tay với chính sách tiền tệ sẽ là con dao hai lưỡi. Trong trường hợp Fed có thể kiểm soát lãi suất, lộ trình tăng lãi suất là tăng 1,9 điểm phần trăm trong năm 2022.

0007-ttck-22
Hình minh họa

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở - cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng 16/6 (giờ Việt Nam) tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư tuần này. Các dự đoán hầu hết đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm, tương tự động thái một tháng rưỡi trước với mục tiêu chống lạm phát đã duy trì mức 7-8% suốt nửa năm qua.

Bình luận về tác động về xu hướng tăng lãi suất của Fed tại Talkshow Chọn danh mục tổ chức ngày 9/6/2022, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Fed vừa đi vừa thăm dò chứ không mạnh tay và gây ra cú sốc cho thị trường như giai đoạn 2018 - 2019.

Theo ông Minh, Fed đang phải đối mặt với áp lực lạm phát cao, nhưng nếu mạnh tay với chính sách tiền tệ, thì sẽ là con dao hai lưỡi. Trong trường hợp Fed có thể kiểm soát lãi suất, lộ trình tăng lãi suất là tăng 1,9 điểm phần trăm trong năm 2022.

Ở kịch bản tích cực này, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ chịu tác động ở mức độ nhẹ. Nguyên nhân được chỉ ra là là việc tăng lãi suất không xảy ra đồng đều ở các quốc gia mà chủ yếu là ở các nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh trong 2 năm đại dịch. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á đang ở giai đoạn đầu phục hồi sau COVID-19 có thể ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng, thậm chí Trung Quốc đang nới lỏng tiền tệ và có thể còn nới lỏng với chính sách tài khoá. Ông Minh dự báo, lãi suất tại Việt Nam có thể tăng, nhưng mức tăng đến cuối năm chỉ khoảng 1 - 1,5 điểm phần trăm.

Kịch bản xấu là Fed có thể phải thực sự mạnh tay nâng lãi suất trước áp lực giá dầu và căng thẳng chính trị chưa có tín hiệu chấm dứt. Điều này khiến những thị trường cận biên và mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng, đặc biệt từ tác động khi dòng vốn ngoại rút ròng.

Còn theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư Green Fund và Chủ tịch Quỹ Đầu tư A+ cũng là người có nhiều năm làm việc tại phố Wall, ngoài lộ trình tăng lãi suất hay biến số lạm phát, điều lo ngại còn là lộ trình thu hẹp bảng cân đối sau giai đoạn tăng mạnh gấp hơn 2 lần kể từ tháng 3/2020. Dù đây là một biến số cần theo dõi nhưng ông Hoàng tin tưởng ảnh hưởng lan truyền tới Việt Nam sẽ không nhiều; việc thu hẹp bảng cân đối của Fed được giảm thận trọng vừa giúp nền kinh tế Mỹ phát triển vững vừa bảo vệ uy tín khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần hơn.

Ngoài tác động từ các yếu tố quốc tế, việc tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng sau khi trải qua giai đoạn giảm khốc liệt cùng mục tiêu hoà vốn hay “về bờ” đã là tốt sẽ khiến thị trường đối diện áp lực cung lớn khi thị trường hồi phục trở lại, nhất là khi nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ tỷ trọng cao trên thị trường cổ phiếu.

Với các yếu tố trên, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, dù xu hướng của thị trường chứng khoán tháng 6 cơ bản là tăng, nhưng đà tăng không diễn ra với biên độ lớn.

Cùng với đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ không thể lớn như năm 2021 khi đã có nhà đầu tư rút khỏi thị trường cùng sự dịch chuyển sang một phần vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hay kênh rủi ro ít hơn như trái phiếu.

Chiến lược với các nhóm cổ phiếu phòng thủ thời lạm phát

Lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm tại Mỹ một lần nữa tạo ra sóng gió cho thị trường tài chính toàn cầu và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, một số nhóm ngành phòng thủ điển hình như điện, nước hay dược vẫn xuất hiện những điểm sáng ngược dòng.

Nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu đầu ngành điện POW của PV Power với mức tăng 1,7% và là cái tên duy nhất trong nhóm VN30 tăng giá phiên hôm nay. Cổ phiếu này cũng có giao dịch đặc biệt sôi động với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 41 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn sàn. Hiệu ứng lan tỏa sang nhiều cổ phiếu ngành điện khác như NT2 và VSH đều tăng 3%, KHP tăng 2,3% trong khi BTP, SEB, SBA cũng xanh nhẹ.

Chiến lược phòng thủ thời lạm phát
Cổ phiếu POW nổi bật trong nhóm cổ phiếu ngành điện. Hình minh họa

Thực tế, nhiều cổ phiếu ngành điện đã cho thấy khả năng phục hồi từ đáy tốt hơn thị trường chung đặc biệt trong những phiên gần đây khi VN-Index biến động mạnh nhưng không thể gia tăng điểm số. So với đáy hồi giữa tháng 5, POW và NT2 đều tăng khoảng 35% còn VSH thậm chí đã tăng đến 50%, ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng gần 6% của VN-Index trong cùng giai đoạn.

3 mã cổ phiếu ngành điện sẽ "tỏa sáng" trong thời gian tới

Với mức tăng trưởng vượt bậc của quá trình chuyển đổi năng lượng những năm qua, VNDirect cho rằng, các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. Việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế như ngành điện là một lựa chọn an toàn và hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây.

VNDirect đánh giá lạc quan về việc sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại trong 2022 từ mức nền thấp 2021, nhờ sự nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ. Miền Bắc được dự báo có nguy cơ thiếu điện do phụ tải điện cao trong mùa nắng nóng, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung than cho hơn 3.000MW các nhà máy nhiệt điện trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, thực tế là khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, việc phát triển một hệ thống điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng là rất quan trọng. Hiện tại, thủy điện đã dần cạn kiệt tiềm năng khai thác, điện than phải đối mặt với những khó khăn tài chính đầy thách thức do tác động tiêu cực đến môi trường.

Do đó, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm rất lớn do tính chất sạch và tiềm năng tăng trưởng công suất lớn. Song do tính không ổn định và hệ số công suất thấp do phụ thuộc vào thời tiết nên việc phát triển thêm nguồn điện nền như điện khí là điều cần thiết để hỗ trợ hệ thống điện một cách đầy đủ,...

Bên cạnh nhóm điện, các cổ phiếu ngành nước cũng rất được chú ý trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Mặc dù áp lực bán bao trùm thị trường phiên hôm nay nhưng TDM của Nước Thủ Dầu Một vẫn ngược dòng tăng nhẹ lên mức 39.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm cách đây 1 tháng, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 19%.

Theo Mirae Asset, việc tập đoàn LEGO đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại VSIP3 sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ và sử dụng nước tại khu vực Bình Dương tăng lên sẽ là một điểm sáng tích cực và kỳ vọng giúp cho TDM tăng sản lượng trong năm 2022.

Đồng quan điểm, VCSC dự báo sản lượng nước thương phẩm của TDM sẽ tăng 13% so với cùng kỳ vào năm 2022 chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế ở tỉnh Bình Dương sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vào năm 2021.

Được coi là một trong những nhóm phòng thủ truyền thống, cổ phiếu ngành dược với đại diện là TRA của Traphaco cũng là một địa chỉ đáng tin cậy khi mã ghi nhận biến động không quá mạnh thời gian gần đây khi giảm khoảng 8% so với đỉnh cách đây gần 2 tháng.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao nhờ chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác. Cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.

Góc chuyên gia: Nên làm gì khi lạm phát tăng cao?

Chuyên gia cho rằng, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kìm lạm phát sẽ ảnh hưởng tới thị ...

Chọn ngành và doanh nghiệp dưới góc nhìn chuyên gia

Nhiều nhà đầu tư đang bối rối trong việc tìm cơ hội đầu tư, dù định giá P/E toàn thị trường cũng như đa số ...

VN-Index sẽ sớm về 1.150 điểm, nhà đầu tư nên phòng thủ hơn là tấn công

Trong ngắn hạn, vị chuyên gia đánh giá thị trường xấu do đó khó có thể hồi phục mạnh, nhà đầu tư nên cố gắng ...

Việt Hoàng