Agriseco Research:

Chiến lược đầu tư và nhóm cổ phiếu hưởng lợi thời lạm phát

Cập nhật: 11:46 | 20/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo quan điểm của Chứng khoán Agriseco Research, trong môi trường lạm phát vừa phải, thị trường chứng khoán vẫn là kênh hỗ trợ đầu tư trong khi GDP dự báo tiếp tục tăng trưởng. Agriseco Research đánh giá một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời kỳ lạm phát dựa trên kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới.

4241-lp111
Chiến lược đầu tư và nhóm cổ phiếu hưởng lợi thời lạm phát. Hình mih họa

Trong môi trường lạm phát thấp (dưới 5%), theo số liệu thống kê từ Fiinpro, trong giai đoạn 2009 – 2014, một số nhóm ngành mang lại mức sinh lời cao bao gồm: Tiện ích (Gas, Nước); Du lịch & Giải trí; Kỹ thuật công nghiệp; Động cơ & các bộ phận. Ngược lại, nhóm ngành có tỷ suất thấp như Bán lẻ thực phẩm, dược phẩm; Hàng hóa dịch vụ giải trí.

Bên cạnh đó, môi trường lạm phát duy trì vừa phải (5%-10%), các nhóm ngành thể hiện sự tăng trưởng mạnh bao gồm Ôto & phụ tùng, công nghệ phần cứng và thiết bị; đầu tư và dịch vụ bất động sản; lâm nghiệp và giấy. Nhóm mang lại tỷ suất thấp là các cổ phiếu thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, bán lẻ thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, du lịch và giải trí

Về diễn biến kết quả kinh doanh các nhóm ngành trong môi trường lạm phát. Theo thống kê của Agriseco Research đã so sánh kết quả kinh doanh với các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận gộp các nhóm ngành giai đoạn lạm phát cao 2010 – 2012 và giai đoạn lạm phát được kiềm chế 2013 – 2015. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra trong giai đoạn lạm phát cao, các nhóm ngành hoạt động kinh doanh khởi sắc trong lạm phát:

Nhóm Tài chính: Bảo hiểm

Nhóm Phi tài chính: Dược phẩm & Y tế, Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, Hàng cá nhân và Gia dụng (Thuốc lá, Sản xuất thực phẩm), Hóa chất, Tài nguyên cơ bản (Khai khoáng, Kim loại), Điện, nước, xăng dầu (Sản xuất & phân phối điện), Công nghệ thông tin (Thiết bị & phần cứng), Vận tải, Xây dựng & VLXD.

Cần lưu ý thêm, do số lượng các doanh nghiệp trên sàn giai đoạn trước không lớn nên một số ngành có thể chưa đủ số lượng doanh nghiệp đại diện. Kết quả này mang tính chất giúp nhà đầu tư tham khảo về thực tế đã diễn ra trong các giai đoạn trước tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chiến lược đầu tư trong môi trường lạm phát

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi

Khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt là nhóm năng lượng (dầu thô, khí đốt). Theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức kinh tế lớn, giá cả hàng hóa và lạm phát có mối quan hệ tương quan thuận chiều với nhau. Việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đang sản xuât, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý khi việc đầu tư vào chỉ số giá hàng hóa chưa phù hợp. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đầu ra.

Trong thời kỳ lạm phát, khi giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, DN có thể kiểm soát giá bán đầu ra sẽ càng được hưởng lợi khi công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng sẽ có thể tác động khiến KQKD khả quan hơn. Do đó, chúng tôi tin rằng nhóm các DN trên sẽ là nhóm được hưởng lợi lớn về mặt doanh thu cũng như cải thiện về chi phí. Các nhóm doanh nghiệp tự sản xuất và cung ứng các mặt hàng được hưởng lợi từ các sự kiện địa chính trị sẽ là các nhóm đáng lưu ý. Các nhóm doanh nghiệp này khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ ít chịu tác động bởi lạm phát. Đây là nhóm có thể đầu tư trong trung và dài hạn.

Chiến lược đầu tư: Tăng tỷ trọng

Cổ phiếu lưu ý: HPG, DGC

Nhóm Dầu khí: Giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh hơn 50% và giá khí tại khu vực châu Âu cũng đã tăng hơn 90% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng tại châu Âu và thế giới khi Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 toàn cầu và cung cấp tới 40% lượng khí đốt cho châu Âu.

Agriseco Research cho rằng, diễn biến giá dầu, khí trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine và các biện pháp cấm nhập khẩu dầu của EU. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư đã giải ngân cổ phiếu tiếp tục nắm giữ cổ phiếu dầu khí và theo dõi sát diễn biến địa chính trị để đưa ra những hành động phù hợp.

Chiến lược đầu tư: Nắm giữ

Cổ phiếu tiềm năng: PVD, PVS

Ngành Nông nghiệp, Thực phẩm – với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao khi Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia chiếm tỷ trọng lớn khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô. Do lo ngại xung đột tiếp tục và giá cả ngày càng leo thang, 30 nước đã hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực.

Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành 1 sản phẩm thay thế cho lúa mỳ hay ngô. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí.

Chiến lược đầu tư: Tăng tỷ trọng

Cổ phiếu tiềm năng: LTG, TAR

Nhóm ngành Bảo hiểm: Trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn (theo thống kê của Agriseco Research). Nguyên nhân là do (1) Lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên; (2) Tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát. Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như BVH, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP có kỳ hạn trên 10 năm) tăng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó phần nào giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Chiến lược đầu tư: Mua và Nắm giữ

Cổ phiếu: MIG, BMI, BVH

Nhóm ngành Phòng thủ: Trong giai đoạn lạm phát cùng với những bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành thiết yếu như Điện, Nước, Dược phẩm, Công nghệ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn.

Chiến lược đầu tư: Mua và Nắm giữ

Cổ phiếu: FPT, BWE, PC1, REE

Nhóm ngành bất lợi thời lạm phát

Nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao: Khi lạm phát và lãi suất tăng lên thì khi đó áp lực tài chính sẽ tăng, kéo theo biên lợi nhuận thay đổi, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thấp, không có quỹ đất tiềm năng, sẽ là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Trong đó, một số nhóm ngành có hệ số vay nợ khá cao có thể kể đến nhóm Bất động sản, Xây dựng. Theo dữ liệu của Fiinpro, hệ số trung bình vay nợ của các nhóm này là trên 1. Mặc dù vậy, trong các nhóm này, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành có sức chịu đựng tốt hơn khả năng sẽ tận dụng được cơ hội để thâu tóm lại các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính bền vững, khả năng trả nợ và thanh toán các khoản lãi vay cao và tránh các cổ phiếu có tỷ lệ vay vốn lớn.

Chiến lược đầu tư: Giảm tỷ trọng.

Nhóm các cổ phiếu Đầu cơ: Khi lạm phát và lãi suất tăng, dòng tiền có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại các tài sản rủi ro thấp như tiền gửi ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh thị trường chuyển biến xấu hoặc khi có các thông tin vĩ mô, địa chính trị không thuận lợi. Trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ hiện đang có mặt bằng giá cao so với cùng kỳ năm 2021 trong khi các hoạt động kinh doanh không cải thiện. Quý nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng với các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, đã tăng nóng để bảo toàn danh mục.

Chiến lược đầu tư: Giảm tỷ trọng.

Các doanh nghiệp không hoàn thiện chuỗi giá trị: Đây là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi giá cả đầu vào và không có khả năng chuyển giá sang cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong chu kỳ lạm phát, các doanh nghiệp này sẽ dễ bị tổn thương dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sẽ thu hẹp dần khi các chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp không chuyển đổi giá tăng sang người tiêu dùng. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ kém khả quan khi chịu biên lợi nhuận mỏng. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu thuộc ngành nghề nêu trên. Một số nhóm ngành mà Agriseco Research đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi lạm phát tăng lên bao gồm: Nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng như Nhựa, Nhóm Chăn nuôi và Thức ăn chăn nuôi, Nhóm Vận tải Logistics, Nhóm cung cấp các dịch vụ sản phẩm không thiết yếu.

Chiến lược đầu tư: Giảm tỷ trọng

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Chứng khoán phiên sáng 20/6: Lực bán dâng cao, VN-Index chìm dần trong sắc đỏ

Về giữa trưa 20/6, lực bán liên tục gia tăng khiến VN-Index chìm sâu dần trong sắc đỏ .VN-Index đang thiếu hụt dòng tiền vào ...

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp trong bối cảnh lạm phát dưới 10%

Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa đưa ra báo cáo phân tích với tên gọi “Đầu tư cổ phiếu khi lạm phát tăng cao”. Theo Agriseco, ...

Cổ phiếu APS "dò đáy", người nhà Tổng Giám đốc đăng ký bán 600.000 đơn vị

Động thái thoái bớt vốn của mẹ Tổng Giám đốc diễn ra khi giá cổ phiếu APS đang dò đáy. So với đỉnh gần 60.000 ...

Việt Hoàng