Chiến đấu cơ tàng hình J-35 của Trung Quốc lần đầu lộ diện trong lực lượng quân đội
Chiến đấu cơ J-35 được cho là đã chính thức gia nhập lực lượng hải quân Trung Quốc, theo hình ảnh lan truyền và nhận định của chuyên gia.
Dấu hiệu bước ngoặt trong chương trình tiêm kích hải quân
Ngày 22/7, tờ South China Morning Post dẫn lại loạt hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là Weibo, cho thấy hai chiếc chiến đấu cơ J-35 bay song song, mang dòng chữ “Hải quân Trung Quốc” và biểu tượng “Phi Sa” (cá mập bay) ở phần đuôi. Đây được xem là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy loại tiêm kích thế hệ mới này đã được biên chế chính thức vào lực lượng hải quân, cụ thể là lực lượng không quân trên tàu sân bay.

Cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, đồng thời là bình luận viên quân sự Tống Trung Bình, nhận định rằng sự hiện diện của biểu tượng Phi Sa cùng mã số 0011 và 0012 trên thân máy bay có thể cho thấy hai chiếc J-35 là một phần trong lô sản xuất đầu tiên. Theo ông, “việc xuất hiện biểu tượng đặc thù và hệ thống số hiệu chỉ ra rằng J-35 có thể đang trong quá trình xây dựng năng lực chiến đấu và hậu cần kỹ thuật, từng bước tích hợp vào hệ thống vận hành tàu sân bay”.
Triển khai trên tàu sân bay Phúc Kiến
Trong tháng 7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng một chương trình tại cơ sở sản xuất dòng chiến đấu cơ J-15T. Đáng chú ý, trong khung hình có sự xuất hiện hai khung thân máy bay J-35 được sơn lót màu xanh lá cây.

Đây không phải lần đầu J-35 xuất hiện trước công chúng. Nguyên mẫu trước đó từng tham gia tập dượt cho lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, việc hai chiếc J-35 được sơn đầy đủ và bay theo đội hình, mang dấu hiệu chính thức của hải quân, là lần đầu tiên được ghi nhận công khai.
J-35 được phát triển từ nền tảng mẫu FC-31, thuộc thế hệ tiêm kích thứ 5, cùng phân khúc với F-35 của Mỹ. Trung Quốc đã sở hữu J-20 – một chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 được so sánh với F-22 Raptor, và J-35 được xem là đối trọng với F-35 trong vai trò triển khai từ tàu sân bay.
Hiện nay, Trung Quốc đang hoàn thiện tàu sân bay Phúc Kiến, được trang bị hệ thống phóng điện từ (EMALS) tương tự công nghệ trên các tàu sân bay hiện đại của Mỹ. Phúc Kiến đã thực hiện 8 chuyến thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ được biên chế vào cuối năm nay. Nếu theo đúng lộ trình, J-35 sẽ trở thành tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay Phúc Kiến, đánh dấu giai đoạn mới trong năng lực tác chiến hàng không hải quân của Trung Quốc.
Định hướng tương lai
Truyền thông Trung Quốc cho biết J-35 hiện đang được phát triển với hai phiên bản chính: một phiên bản hoạt động từ đất liền (J-35A) và một phiên bản dành cho triển khai trên tàu sân bay. Để đạt điều kiện tác chiến từ tàu sân bay, J-35 cần trải qua các đợt huấn luyện kỹ thuật chuyên sâu trên đất liền, trước khi được đưa lên boong tàu thực chiến.
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nhưng chuỗi tín hiệu từ hình ảnh, số hiệu, biểu tượng đơn vị, cùng sự xuất hiện công khai trong chương trình truyền hình và tại nhà máy sản xuất, đều cho thấy tiến trình phát triển J-35 đang bước vào giai đoạn hoàn thiện quan trọng.
Tới thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều thông tin về J-35 chưa được công bố chính thức, bao gồm các thông số kỹ thuật chi tiết, khả năng tàng hình, radar tích hợp và tầm hoạt động. Tuy vậy, theo giới chuyên gia quốc tế, đây sẽ là một trong những vũ khí chiến lược chủ lực mà Trung Quốc sử dụng để gia tăng sức mạnh hải quân trong thập niên tới.