Chỉ thực hiện vỏn vẹn 3,6% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm, “vua tôm” Minh Phú (MPC) khiến giới đầu tư thất vọng

Cập nhật: 15:42 | 02/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Vừa lỗ kỷ lục năm 2023, Thủy Sản Minh Phú lại lên kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục, điều này khiến giới đầu tư không khỏi hoài nghi. Trên thực tế, sự hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở khi mà doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được 3,6% kế hoạch dù đã đi được quá nửa chặng đường năm 2024.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với lợi nhuận trước thuế giảm 11% so với cùng kỳ, còn 54,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.738 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá vốn cũng tăng mạnh tới 65%. Sau khi khấu trừ, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 392,8 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 14% xuống còn 10,5%.

Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này của Thủy sản Minh Phú tăng mạnh 163%, lên mức 32,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng 39%, lên mức 70 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm hơn 37 tỷ đồng, còn lại là lãi nhờ chênh lệch tỷ giá trong kỳ.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp kỳ này biến động nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 188,5 tỷ đồng và gần 72 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ 26,5 tỷ đồng tại công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gần 22 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế đi lùi, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng mạnh, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 38,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do khoản phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm mạnh từ gần 46 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn gần 12 tỷ đồng.

Chỉ thực hiện vỏn vẹn 3,6% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm, “vua tôm” Minh Phú (MPC) khiến giới đầu tư thất vọng
Hàng tồn kho và nợ vay của Thủy sản Minh Phú đồng loạt tăng mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần Thủy sản Minh Phú đạt 6.488 tỷ đồng, tăng 45% và lợi nhuận sau thuế đạt 45,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 88 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, "vua tôm" một thời - Thủy Sản Minh Phú đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 18.568,7 tỷ đồng và lãi ròng hợp nhất đạt 1.267,5 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Kế hoạch này từng khiến giới đầu tư không khỏi hoài nghi khi doanh nghiệp này vừa lỗ kỷ lục gần 98 tỷ đồng trong năm 2023.

Trên thực tế, sự hoài nghi của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện tại đã đi được nửa chặng đường năm 2024, Thủy sản Minh Phú mới chỉ thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành vỏn vẹn 3,6% kế hoạch lợi nhuận. Tham vọng lập kỷ lục lợi nhuận của Thủy sản Minh Phú gần như là bất khả thi.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đang ở mức 11.198 tỷ đồng, tăng 9,6% so với mức 10.208 tỷ đồng tại thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, khoản phải thu các doanh nghiệp và thu các bên khác tăng 43%, đạt 1.555,8 tỷ đồng. Khoản phải trả trước cho người bán lại giảm từ 260 tỷ đồng xuống còn 168 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp cuối kỳ này ở mức 5.817 tỷ đồng, tăng 14% so với ngày đầu năm. Thành phẩm, hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tồn kho, đạt 5.291 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Thủy sản Minh Phú tính tới cuối quý 2 đang ở mức 5.696 tỷ đồng, tăng 19,8% so với mức 4.751 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 383 tỷ đồng lên 613 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng tới 17%, lên mức 4.277 tỷ đồng. Hiện tại, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang là chủ nợ lớn nhất của Thủy sản Minh Phú với hơn 3.148 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 796,5 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 274 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Thủy sản Minh Phú tính đến hết quý 2 đang ở mức 5.501,6 tỷ đồng, trong đó có gần 816 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú đang được giao dịch ở mức 17.400 đồng/cp, ngang với thị giá hồi đầu năm.

Mất thị phần do giá bán cao hơn 20 - 30% đối thủ nội địa

Những khó khăn về xuất khẩu đã được Minh Phú chia sẻ tại buổi ký kết chiến lược với Bách Hoá Xanh. Tại đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Thuỷ sản Minh Phú cũng nhấn mạnh chiến lược sẽ quay về thị trường nội địa.

Hiện, Minh Phú được biết đến là nhà nuôi trồng, xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Từ năm 2024, thông qua ký kết chiến lược lần này, Minh Phú cũng cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường nội địa, đưa tổng tỷ trọng/doanh thu từ mức 1% hiện tại phục hồi lên 5-10%.

Thực tế, cách đây hơn 15 năm, Chủ tịch nhấn mạnh Minh Phú bán thị trường nội địa mạnh. Vì hồi đó tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm các nước còn dễ. Sau đó, khách hàng như Nhật, châu Âu, Mỹ siết lại tiêu chuẩn, ví dụ tiêu chuẩn kiềm kháng sinh là không được có kháng sinh trong sản phẩm tồn, bắt buộc Minh Phú phải siết lại, kiểm soát từ khâu thu mua giám sát thu hoạch và vận chuyển về nhà máy.

Trong khi lúc đó ở Việt Nam xảy ra tình trạng tôm nhiễm kháng sinh nhiều, có nhiều đối tượng gian dối còn làm tôm ngâm, tôm tiêm chích… khiến giá bán tôm Minh Phú bấy giờ cao hơn 20 - 30% các đối thủ khác, dẫn đến thị phần Minh Phú giảm.

Bài 6: TV.Pharm rời sàn: 7 năm cho một cuộc thâu tóm

Qua các cuộc thâu tóm, khi DN rời sàn, nhiều chuyện hậu trường được phơi bày, ví như đất vàng từ sở hữu nhà nước ...

Thất vọng vì kết quả kinh doanh, nhiều cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo

NVL, QCG, DLG, CTS, KPF.. bị bán sàn trong phiên sáng ngày 22/7. Diễn biến tiêu cực sau khi nhiều cổ phiếu công bố kết ...

Đình Tư