Chỉ số ROAA: Định nghĩa và ý nghĩa của chỉ số ROAA

Cập nhật: 14:57 | 16/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Bên cạnh chỉ số ROE, ROA thì chỉ số ROAA là chỉ số giúp cho nhà đầu tư phân tích tài chính, đánh giá tình hình doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Định nghĩa và công thức tính ROAA

ROAA hay Return on Average Assets là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình. Đây là chỉ số được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời của tài sản của một doanh nghiệp.

Công thức

ROAA được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng chia cho tổng tài sản trung bình.

ROAA = (Lợi nhuận ròng/ Tổng tài sản trung bình) * 100%

Trong đó:

Tổng tài sản trung bình: (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ)/2

Thu nhập ròng sẽ được trình bày trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Đối với tài sản, nhà đầu tư dễ dàng tìm thấy trên bảng cân đối kế toán.

Chỉ số ROAA: Định nghĩa và ý nghĩa của chỉ số ROAA
Hình minh họa

Bảng cân đối kế toán chỉ mang tính chất thời gian mà không thể hiện cái nhìn tổng quan về sự thay đổi được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, để có được một thước đo chính xác hơn, người ta phải lấy giá trị trung bình số dư tài sản đầu kỳ và cuối kỳ (trong cùng 1 kỳ) khi tính ROAA.

Điểm khác nhau giữa ROAA và ROA

Trong khi ROAA dùng tổng tài sản trung bình, ROA lại dùng tổng tài sản để xác định. Thay vì chỉ sử dụng mỗi tài sản đầu kỳ hoặc cuối kỳ để tính toán, ROAA sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh, bởi tài sản trung bình có thể cho thấy những thay đổi dù là nhỏ nhất của tài sản trong kỳ kế toán.

Đối với các doanh nghiệp có sự biến động lớn về tổng tài sản trong kỳ, ROAA được yêu thích hơn vì chỉ số này khắc phục hầu hết nhược điểm của ROA, dữ liệu trung bình sẽ tốt hơn so với dữ liệu duy nhất ở đầu kỳ hoặc cuối kỳ. Tuy nhiên, nhà phân tích nên kết hợp với nhiều loại chỉ số tài chính khác để có được cái nhìn tài chính toàn cảnh hơn.

Ý nghĩa chỉ số ROAA

Dựa vào chỉ số ROAA, người dùng sẽ thấy được:

Mức độ sử dụng tài sản của công ty để tạo ra lợi nhuận và đánh giá hoạt động có tốt không. Từ đó so sánh với các doanh nghiệp trong cùng ngành hiệu quả hơn.

Dựa vào ROAA để nắm bắt sự thay đổi đáng kể trong số dư tài sản của kỳ phân tích.

Đối với những công ty mạnh về tài chính, họ sử dụng ROAA để phân tích xem tổ chức đang sử dụng tài sản hiệu quả hay không. Trường hợp ROAA thấp, công ty đang sử dụng nhiều tài sản để tạo ra lợi nhuận. Trong khi ROAA cao tức công ty đang thâm dụng tài sản thấp hơn.

Ngoài ra, bản thân các nhà đầu tư cũng có thể dùng ROAA để phân tích, đánh giá một doanh nghiệp liệu có phù hợp để đầu tư hay không. Tuy nhiên, khi phân tích, cần lưu ý:

Xem xét đến ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Một ngành cần dùng nhiều tài sản thường dẫn đến ROAA thấp hơn. Nhà đầu tư không nên bỏ qua bước so sánh với cách doanh nghiệp trong cùng ngành để xem xét, lựa chọn phù hợp hơn.

ROAA là chỉ số tài chính tốt, dễ sử dụng cho quá trình phân tích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung thêm kiến thức về đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp để xác định được mục chính cần thiết trong công thức tính ROAA, từ đó kết quả đạt được mới chính xác. Đừng quên sử dụng ROAA song song với các chỉ số tài chính khác, đánh giá cùng các biểu đồ kỹ thuật, …

Ngân hàng nhà nước và các tổ chức kinh tế thường xuyên sử dụng ROAA như một phương tiện để đánh giá hiệu suất tài chính. Từ đây, nhà đầu tư có thể so sánh doanh nghiệp này với các công ty khác trong cùng ngành. Cũng vì lẽ đó, ROAA sẽ khác nhau theo từng ngành cụ thể, nếu tỷ lệ từ 5% trở lên chứng tỏ doanh nghiệp đang sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận tốt.

Một vài trường hợp công ty có ROAA thấp, nguyên nhân là do tổ chức đã đầu tư phần lớn số tiền vào các nhà máy, máy móc thiết bị. Cho nên không phải lúc nào ROAA thấp cũng xấu, tùy vào đặc tính của ngành nghề kinh doanh mà chỉ số ROAA sẽ có sự khác nhau.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Những điều cần biết về chỉ số PMI, ý nghĩa và cách tính chỉ số PMI

Nhờ có chỉ số PMI, các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng nắm được các thông tin về ...

Tìm hiểu về khái niệm chỉ số P/E, công thức tính chỉ số P/E

Để các nhà đầu tư có thể lựa chọn được loại cổ phiếu phù hợp, cũng như biết được mình đã đầu tư vào đúng ...

Khái niệm về chỉ số PEG, cách tính chỉ số PEG trong chứng khoán

Chỉ số PEG là chỉ số định giá cổ phiếu giúp nhà đầu tư xác định những cổ phiếu tiềm năng.

Đình Trọng t/h