Mô hình mới

Chỉ mất có vài năm, nông dân Hải Dương thu về hàng chục tỷ đồng nhờ áp dụng mô hình 4.0 mới lạ

Nguyễn Trang 07/05/2025 16:55

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, người nông dân Hải Dương đã nâng cao năng suất, mở rộng thị trường và xuất khẩu nông sản sang nhiều quốc gia.

Hướng đi mới cho nông dân trong thời đại số

Những năm gần đây, chính quyền thị xã Kinh Môn tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp: xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất thông minh và đẩy mạnh thương mại điện tử.

Các cây trồng thế mạnh ở Kinh Môn đang phát huy hiệu quả cao nhờ đổi mới phương thức sản xuất
Các cây trồng thế mạnh ở Kinh Môn đang phát huy hiệu quả cao nhờ đổi mới phương thức sản xuất (Ảnh: Báo Hải Dương)

Hơn 70% diện tích vùng sản xuất hành, tỏi tại đây đã được số hóa thông tin về giống, phân bón, quy trình canh tác và nhật ký đồng ruộng. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như tưới nhỏ giọt, nhà màng, nhà lưới tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tiết kiệm đến 40% chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất từ 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Một trong những điển hình của sự chuyển đổi là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thất Hùng (phường Thất Hùng). Thành lập từ năm 2017, đơn vị này nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, từ quản lý vùng trồng, mã QR truy xuất nguồn gốc, đến bảo quản sau thu hoạch bằng kho lạnh.

Sản phẩm hành Kinh Môn của hợp tác xã hiện đã có mặt tại các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Nhật Bản, với giá bán cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với kênh bán buôn truyền thống. Doanh thu năm 2024 đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 120 lao động, thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Công nghệ cao tạo động lực cho hợp tác xã phát triển bền vững

Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn An Phú (phường An Phụ) cũng đang gặt hái thành công nhờ đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 20 ha. Đặc biệt, đơn vị này ứng dụng cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và tự động hóa quy trình chăm sóc rau.

Việc đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất giúp nông dân Kinh Môn thắng lớn
Việc đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất giúp nông dân Kinh Môn thắng lớn (Ảnh: Báo Hải Dương)

Với quy trình sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP, rau của hợp tác xã An Phú hiện là nguồn cung chính cho các hệ thống siêu thị lớn như Winmart, Aeon… với sản lượng khoảng 10 tấn/ngày. Năm 2024, doanh thu cũng đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 80 lao động địa phương.

Nhờ công nghệ, các hợp tác xã từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình chuỗi liên kết giá trị. Họ không chỉ canh tác theo đơn đặt hàng, mà còn chủ động điều chỉnh sản phẩm phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh, sạch và bền vững.

Chính sách hỗ trợ đồng hành cùng nông dân

Sự thành công của các mô hình nông nghiệp tại Kinh Môn không thể tách rời vai trò của các chính sách hỗ trợ từ tỉnh và trung ương. Đặc biệt, các chương trình của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương đã cung cấp nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Từ năm 2020 đến nay, khoảng 30 hợp tác xã tại tỉnh Hải Dương, trong đó có nhiều đơn vị tại Kinh Môn, đã được tiếp cận với hơn 70 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương và địa phương. Nhờ đó, các hợp tác xã đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp công nghệ và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chỉ mất có vài năm, nông dân Hải Dương thu về hàng chục tỷ đồng nhờ áp dụng mô hình 4.0 mới lạ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO