Kiến thức

Chi hàng tỷ đô cho đường sắt cao tốc, tốc độ khai thác sánh ngang châu Âu, vì sao câu chuyện thu hồi vốn vẫn xa vời?

Tuấn Anh 02/07/2025 14:10

Tuyến đường sắt cao tốc này được đầu tư hiện đại, nhưng sau hiệu quả khai thác vẫn thấp hơn kỳ vọng ban đầu.

Hạ tầng chiến lược nối liền miền Trung và miền Đông Trung Quốc

Tuyến đường sắt cao tốc Trịnh Châu – Từ Châu là một trong những dự án hạ tầng nổi bật của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Khai trương từ tháng 9/2016, tuyến đường có chiều dài khoảng 362 km, thiết kế vận hành tốc độ tối đa lên tới 350 km/h. Dự án này được đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành tuyến huyết mạch kết nối khu vực đồng bằng Hoa Bắc với các trung tâm kinh tế duyên hải Hoa Đông, đồng thời bổ sung thêm một mắt xích trong hành lang vận tải xuyên lục địa từ Lianyungang đến Urumqi.

Tuyến đường sắt cao tốc Trịnh Châu – Từ Châu (1)
Tuyến đường sắt cao tốc Trịnh Châu – Từ Châu chưa mang lại đồng lợi nhuận nào cho Trung Quốc

Ngay từ khâu chuẩn bị, các cơ quan chức năng đã quảng bá công trình như một giải pháp đột phá, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương chỉ còn khoảng 90 phút. Tuy nhiên, gần một thập kỷ đi vào vận hành, thực tế đang cho thấy những thách thức về hiệu quả khai thác, khả năng thu hồi vốn và mức độ đóng góp kinh tế - xã hội.

Nhu cầu chưa tương xứng với năng lực hạ tầng

Một trong những vấn đề chính của tuyến đường sắt cao tốc Trịnh Châu – Từ Châu là công suất sử dụng thấp hơn đáng kể so với dự báo ban đầu. Số liệu từ các đơn vị vận hành cho thấy tần suất khai thác trung bình chỉ đạt 10–12 đôi tàu mỗi ngày, chưa đến một nửa năng lực thiết kế.

Nhiều khung giờ, hành khách không tìm được chuyến tàu phù hợp, làm giảm tính hấp dẫn của tuyến. Các chuyên gia giao thông lý giải rằng, nhu cầu đi lại tại các đô thị dọc tuyến chưa thật sự lớn. Đồng thời, mạng lưới đường sắt khác như Bắc Kinh – Thượng Hải đã được đầu tư từ sớm, có tần suất dày đặc và kết nối linh hoạt, khiến tuyến Trịnh Châu – Từ Châu gặp phải áp lực cạnh tranh đáng kể.

Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc
Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc (tuyến Trịnh Châu – Từ Châu trong vùng khoanh đỏ)

Khi lập kế hoạch, mô hình dự báo từng kỳ vọng tỷ lệ sử dụng đạt 70–80% ngay trong ba năm đầu. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, tỷ lệ lấp đầy tàu chỉ dao động khoảng 50%, thậm chí có giai đoạn giảm sâu do tác động của dịch bệnh và suy giảm kinh tế.

Để cắt giảm chi phí, các nhà khai thác đã giảm số chuyến hàng ngày. Dù vậy, chi phí duy tu và bảo trì tuyến đường vẫn duy trì ở mức cao, bởi hạ tầng được đầu tư tiêu chuẩn rất hiện đại, yêu cầu bảo dưỡng nghiêm ngặt. Điều này khiến công tác tài chính trở thành gánh nặng dài hạn.

Chiến lược hạ tầng và thách thức bền vững

Một báo cáo tổng hợp năm 2021 cho thấy, tổng nợ liên quan phát triển hạ tầng đường sắt cao tốc Trung Quốc đã vượt 900 tỷ USD, và hệ thống phải bù lỗ khoảng 24 triệu USD mỗi ngày. Dù chưa có số liệu riêng lẻ chi tiết, nhiều ý kiến chuyên gia đồng thuận rằng tuyến Trịnh Châu – Từ Châu thuộc nhóm khai thác chưa đủ bù đắp chi phí.

Tuyến đường sắt cao tốc này được xây dựng với hạ tầng đường đôi điện khí hóa, hệ thống tín hiệu tự động CTCS-2 tiên tiến, năng lực cho phép các đoàn tàu CRH380A chạy tốc độ tối đa 350 km/h. Tuy vậy, để giảm tiêu hao năng lượng và hạn chế hao mòn thiết bị, tốc độ khai thác phổ biến chỉ duy trì khoảng 300 km/h, nhiều chuyến chạy ở mức 250–280 km/h.

Việc không duy trì tốc độ tối đa thường xuyên khiến ưu thế về thời gian di chuyển không nổi bật so với các tuyến song song, nhất là khi đi kèm tần suất ít và giá vé chưa thật cạnh tranh. Kết quả là, hiệu quả thu hút hành khách tiếp tục ở mức khiêm tốn.

Tuyến Trịnh Châu – Từ Châu phản ánh rõ một xu hướng đã và đang diễn ra: nhiều địa phương tại Trung Quốc đua nhau đầu tư các dự án đường sắt cao tốc quy mô lớn để thể hiện hình ảnh phát triển hiện đại. Song, trong bối cảnh nợ công gia tăng và nguồn lực tài khóa chịu sức ép, việc đầu tư ồ ạt khi chưa có căn cứ chắc chắn về nhu cầu sử dụng có thể trở thành gánh nặng đáng kể.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị, kích thích tăng trưởng dân cư và các chính sách kinh tế vùng. Chỉ khi những yếu tố đó được phát triển đồng bộ, các tuyến đường sắt cao tốc mới đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế – xã hội.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chi hàng tỷ đô cho đường sắt cao tốc, tốc độ khai thác sánh ngang châu Âu, vì sao câu chuyện thu hồi vốn vẫn xa vời?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO