Ngân hàng

Chênh lệch giá vàng trở lại mức “bất thường”, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo

Ân Thiên 05/05/2025 06:54

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành và địa phương nhằm kiểm soát chênh lệch giá vàng và đảm bảo ổn định thị trường.

Ngân hàng Nhà nước vừa gửi báo cáo tới Quốc hội, cho biết đã triển khai hàng loạt giải pháp trong năm 2024 nhằm quản lý chặt chẽ thị trường vàng và xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thông qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp, NHNN từng bước thu hẹp khoảng cách giá, giảm từ mức chênh lệch kỷ lục 25% xuống chỉ còn khoảng 5-7%.

giá vàng 5-5
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh trở lại trong thời gian đây

Cơ quan này cũng phối hợp với các bộ, ngành tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh vàng tại nhiều doanh nghiệp và chuyển thông tin các trường hợp vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý. Kết quả cho thấy đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng SJC so với thế giới được kiểm soát ở mức hợp lý, chỉ dao động trong khoảng 3-5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2025, tình hình lại diễn biến phức tạp khi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới. Đến ngày 4/5, giá vàng trong nước đã lên tới 121,3 triệu đồng/lượng, cao hơn gần 18 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Tình trạng chênh lệch giá vàng quay về mức “bất thường”, tương đương hơn 13% – ngang bằng với giai đoạn trước khi NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp.

Theo NHNN, có ba nguyên nhân chính dẫn tới đợt tăng mạnh giá vàng quốc tế. Thứ nhất là căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt tại Ukraine và Trung Đông, khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn như vàng. Thứ hai là việc nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư tăng cường mua vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối. Thứ ba là các chính sách thuế quan mới được chính quyền Tổng thống Trump công bố, gây lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thống kê cho thấy trong quý I/2025, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới vẫn duy trì ổn định trong khoảng 1-5 triệu đồng/lượng. Nhưng từ cuối tháng 4, mức chênh lệch đã tăng đột biến lên gần 14,5 triệu đồng/lượng. NHNN lý giải điều này xuất phát từ kỳ vọng rằng giá vàng thế giới còn có thể tiếp tục tăng mạnh, cùng với các yếu tố rủi ro như chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị và khả năng phát sinh cú sốc giá cả hàng hóa.

Ngoài ra, thị trường vàng trong nước chưa ghi nhận nguồn cung vàng miếng mới từ đầu năm đến nay. Thị trường ngoại hối và vàng vẫn ổn định nên NHNN chưa cần thiết can thiệp thêm. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp, cá nhân đang lợi dụng diễn biến bất thường để đầu cơ, thổi giá nhằm trục lợi.

Về định hướng điều hành, NHNN cho biết mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng trước mắt chưa ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, sẵn sàng có biện pháp ổn định thị trường vàng khi cần thiết.

Để xử lý căn cơ và lâu dài, NHNN đang khẩn trương xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo trình tự rút gọn. Song song đó là việc tăng cường truyền thông nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tới người dân và doanh nghiệp, qua đó ổn định tâm lý thị trường.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng và đại lý kinh doanh vàng. Các vi phạm sẽ được xử lý nghiêm nhằm đảm bảo thị trường vàng minh bạch, ổn định và không gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tiền tệ, ngoại hối quốc gia.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chênh lệch giá vàng trở lại mức “bất thường”, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO