Chân dung Tập đoàn Hanaka, chủ dự án Hồng Kông trong diện thanh tra của Bắc Ninh

Cập nhật: 18:22 | 30/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Dự án trung tâm thương mại Hồng Kông, khách sạn, căn hộ để bán và căn hộ cho thuê là một trong số dự án kéo dài, chậm tiến độ hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh, do Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư.

'Khối bê tông' gần 20 năm 'chình ình' giữa lòng TP. Từ Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Hương Giang vừa ký quyết định thanh tra Dự án Trung tâm thương mại Hồng Kông, khách sạn, căn hộ để bán và căn hộ cho thuê tại phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn do Công ty CP Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư.

Theo quyết định, không chỉ chủ đầu tư mà Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TP. Từ Sơn; cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác có liên quan cũng nằm trong diện đối tượng thanh tra.

Trong đợt thanh tra này, tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện thanh tra việc thực hiện các quy định về quy hoạch đô thị; về đầu tư; các quy định về nhà ở; các quy định về đất đai; về bảo vệ môi trường; về phòng cháy và chữa cháy; về kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Thời kỳ thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án đến nay. Thời hạn thanh tra là 45 ngày. Đoàn thanh tra liên ngành do ông Trần Vượng, Phó chánh thanh tra tỉnh Bắc Ninh làm trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra, thực hiện thanh tra theo nội dung của quyết định, báo cáo kết quả thanh tra, kiến nghị xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra và các kiến nghị khác (nếu có) theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án trung tâm thương mại Hồng Kông, khách sạn, căn hộ để bán và căn hộ cho thuê là một trong số dự án bê trễ hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, diện tích 1,7ha, với các hạng mục như siêu thị, văn phòng, khách sạn, showroom, căn hộ cao cấp, nhà hàng, sân tennis.

Chiếm giữ vị trí đắc địa của tỉnh Bắc Ninh, dự án được kỳ vọng là điểm sáng đầu tư, góp phần nâng tầm bộ mặt đô thị của tỉnh nhà và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay đã gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là khối bê tông xám lạnh, ngổn ngang, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm mất mỹ quan đô thị của xứ Kinh Bắc.

Liên quan đến tiến độ dự án, trước đó, UBND TP. Từ Sơn đã xử phạt Tập đoàn Hanaka số tiền 75 triệu đồng với lỗi vi phạm đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Được biết Tập đoàn Hanaka là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Trên thực tế, thời gian qua Tập đoàn Hanaka đã dính vào không ít vụ "lùm xùm" về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Chẳng hạn hồi cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Hanaka số tiền 275 triệu đồng, vì có hành vi kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định tại Dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn (huyện Yên Phong).

Hay như gần đây, tháng 6/2022, Tập đoàn Hanaka và công ty thành viên là Công ty CP Cáp điện Hanaka - Korea cũng bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính vì đưa các hạng mục công trình sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận kết quả nghiệm thu hoặc văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

Trên địa bàn Bắc Ninh, ngoài Dự án trung tâm thương mại Hồng Kông kể trên, Tập đoàn Hanaka còn là chủ đầu tư của các dự án đô thị, khu công nghiệp quy mô lớn như Hanaka Paris City (quy mô 20ha); Khu công nghiệp Hanaka (55ha), Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá (26,5ha)...

Trong đó, Hanaka Paris City là dự án đầu tiên của Tập đoàn Hanaka trong phân khúc đô thị, là dự án tạo vốn đối ứng thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng đường Tỉnh lộ 277 từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong theo hình thức hợp đồng BT, tại phường Trang Hạ và phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.

Đáng chú ý, năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra dự án Hanaka Paris City do liên quan đến phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc góp vốn mua đất tại dự án này.

Phác họa chân dung về Tập đoàn Hanaka

Tập đoàn Hanaka là thành quả sau gần 30 năm xây dựng, vượt sóng gió thương trường của ông Mẫn Ngọc Anh, đương kim Chủ tịch HĐQT. Ông Mẫn Ngọc Anh sinh năm 1971, được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kinh Bắc.

Ông cũng được biết tới rộng rãi trên cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh khóa V, là người tiền nhiệm của ông Nguyễn Tiến Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Phương.

Chân dung Tập đoàn Hanaka, chủ dự án Hồng Kông trong diện thanh tra của Bắc Ninh
Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh khóa V.

Thành lập từ những năm 1990 với trên cơ sở một nhà máy sản xuất thiệt bị điện, Tập đoàn Hanaka có tốc độ phát triển khá ấn tượng, vươn mình trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành với các ngành nghề đa dạng, điển hình như thực phẩm, đồ uống, bao bì...

Những năm gần đây, nhận thấy cơ hội từ làn sóng bứt tốc của thị trường bất động sản, Tập đoàn Hanaka bắt đầu tập trung vào phát triển các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Trong hệ sinh thái đầu tư dàn trải của ông Mẫn Ngọc Anh, Công ty CP Tập đoàn Hanaka được xem là pháp nhân nòng cốt, là nơi tập trung nguồn lực của tập đoàn.

2021 là năm Tập đoàn Hanaka mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh với động thái cấp tập tăng vốn điều lệ, từ 1.699 tỷ đồng lên 2.599 tỷ đồng, rồi sau đó nâng lên 3.686,8 tỷ đồng.

Sang năm 2022, ở lần cập nhật giấy đăng ký kinh doanh mới nhất vào tháng 3, Tập đoàn Hanaka tiếp tục điều chỉnh vốn điều lệ lên 4.686,8 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với thời điểm 4 tháng trước đó. Việc bổ sung vốn chủ sở hữu là điểm tựa giúp Tập đoàn Hanaka bớt lệ thuộc vào những món nợ khác.

Năm 2021, tổng nợ phải trả đã giảm gần 1.000 tỷ đồng, xuống còn 2.393 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn duy trì các khoản vay tín dụng ngắn và dài hạn lên đến 1.650 tỷ đồng, không biến động quá mạnh so với cuối năm 2020.

Trong khối tài sản trên 5.016 tỷ đồng, chiếm 706 tỷ đồng là hàng tồn kho; và 1.330 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Doanh nghiệp cũng phân bổ gần 840 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, gần 150 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn và dài hạn chiếm khoảng 1.850 tỷ đồng, tương ứng 37% tổng tài sản.

Đối lập với việc dồn dập tăng vốn, những năm gần đây hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hanaka khá trầy trật. Năm 2019, doanh nghiệp của ông Mẫn Ngọc Anh ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.700 tỷ đồng, nhưng năm 2020 bắt đầu giảm về 1.658 tỷ đồng và chỉ còn 1.163 tỷ đồng vào năm 2021.

Biến động cùng chiều, lợi nhuận sau thuế cũng miệt mài "đổ đèo" mặc dù chỉ tiêu này vốn đã quá khiêm tốn so với doanh thu mang về, với 23,5 tỷ đồng (2019) và 4,2 tỷ đồng (2020). Năm 2021, tình hình trở nên bi quan hơn khi Tập đoàn Hanaka chính thức báo lỗ 15,5 tỷ đồng, trong bối cảnh doanh thu thuần rơi xuống mức thấp.

Ngoài Tập đoàn Hanaka, Công ty Hồng Ngọc - TNHH cũng là một nhân tố quan trọng khác. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 389 tỷ đồng, trong đó ông Mẫn Ngọc Ánh góp trên 385,4 tỷ đồng, tương ứng 99,08% cổ phần.

Điểm khác biệt là tỷ lệ nợ trên vốn của Công ty Hồng Ngọc cao vượt trội so với Tập đoàn Hanaka. Tại ngày 31/12/2021, doanh nghiệp này ghi nhận gần 850 tỷ đồng nợ phải trả, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu (408 tỷ đồng).

Đặc biệt, Công ty Hồng Ngọc sử dụng gần như toàn bộ tài sản để đầu tư tài chính dài hạn, thể hiện qua giá trị 1.105 tỷ đồng là số tiền rót vào các công ty con trong hệ thống, tức chiếm 88% tài sản.

Tuy vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty Hồng Ngọc chỉ "ba cọc, ba đồng", chưa đầy 1 triệu đồng/năm. Cũng vì lẽ đó, doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong các năm 2019-2021, lần lượt lỗ 1,8 tỷ đồng, 233 triệu đồng và 374 triệu đồng.

Vân Oanh