Kiến thức

Chạm ngưỡng điểm cao nhất nước, ngành học này đang chuyển mình mạnh mẽ để đón đầu thời đại số: Dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhẹ?

Minh Phương 06/05/2025 17:39

Từng đứng đầu về điểm chuẩn, ngành học này đang âm thầm tái cấu trúc để đón đầu truyền thông số.

Năm 2024, ngành Báo chí và Truyền thông ghi nhận mức điểm chuẩn “đỉnh nóc” – nhiều tổ hợp xét tuyển chạm mốc 37–38 điểm. Nhưng bên cạnh sự thán phục về độ khó, điều này cũng phản ánh một tâm lý phổ biến: chọn ngành học không xuất phát từ hiểu biết nghề nghiệp mà t mức điểm.

nganhhoc.jpg
1 ngành học năm ngoái có điểm chuẩn "đỉnh nóc kịch trần": Năm nay có thể giảm nhẹ

Không ít thí sinh chọn thi vào Báo chí – Truyền thông chỉ vì “nghe danh lâu rồi”, “được lên TV”, “được làm việc với người nổi tiếng”, “ngành đang hot”, “điểm cao thì oai”. Vài người khác thì vì “thích viết văn”, “được bạn bè rủ rê” hay đơn giản vì... “nghe có vẻ sang”. Thế nhưng, sau ánh hào quang của danh xưng, rất nhiều sinh viên nhận ra mình không hợp nhưng lúc ấy đã quá muộn để quay đầu.

Báo chí – Truyền thông: Khi “hot” không đồng nghĩa với dễ sống

Một thực tế đang ngày càng rõ rệt: không phải cứ học ngành hot là dễ kiếm việc, cũng không phải cứ đậu ngành điểm cao là sẽ thành công.

Ngành Báo chí và Truyền thông đang trải qua một giai đoạn “tái cấu trúc” toàn diện. Quy hoạch báo chí đến năm 2025 đã và đang làm thay đổi diện mạo hệ thống báo chí chính thống ở Việt Nam: sáp nhập, cắt giảm đầu mối, tinh gọn nhân sự. Điều này kéo theo việc nhiều tòa soạn báo không còn tuyển phóng viên mới, không gia hạn hợp đồng với cộng tác viên hoặc thậm chí đóng băng toàn bộ tuyển dụng trong thời gian dài.

Trong khi đó, cánh cửa nghề lại mở rộng sang các lĩnh vực mới như truyền thông doanh nghiệp, digital marketing, quản trị nội dung số, truyền thông mạng xã hội – những mảng đòi hỏi tư duy công nghệ, kỹ năng số, sự linh hoạt và tự học cao

Sự thay đổi quá nhanh giữa báo chí truyền thống và truyền thông hiện đại khiến nhiều sinh viên rơi vào trạng thái “chọn ngành nhưng không chọn đúng hướng”. Bạn học Báo chí nhưng ra trường làm PR. Bạn học Truyền thông nhưng lại về làm SEO, content creator hoặc quản lý fanpage bán hàng.

Không nghề nào “hạ thấp” bạn, nhưng khi không có chuẩn bị từ đầu, sự hoang mang là không thể tránh khỏi.

nganhhoc1.png
Liệu năm 2025 ngành Báo chí điểm chuẩn sẽ là bao nhiêu?

Từ điểm cao đến thực tế thấp: Khoảng cách đáng báo động

Năm nay, nhiều trường top đầu bắt đầu điều chỉnh phương thức tuyển sinh: bỏ khối C00, ưu tiên khối D01, D78, thậm chí xét tuyển thêm các bài thi đánh giá năng lực. Điều này phản ánh một sự thật: ngành truyền thông không còn là “sân chơi” của riêng những bạn giỏi văn, mà là cuộc chơi của những người biết ngôn ngữ đa nền tảng, biết viết cho số hóa, biết làm nội dung cho thuật toán.

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn giữ suy nghĩ truyền thống: học giỏi văn thì thi Báo chí. Sự lệch pha giữa mong đợi và thực tế ngành học sẽ khiến nhiều sinh viên vỡ mộng, rơi vào tình trạng mất định hướng, chán học hoặc học lệch – học không vì đam mê, cũng không vì năng lực.

Nhiều bạn trẻ tự tin vì mình đủ điểm vào ngành top. Nhưng điều cần hơn điểm, là bạn có biết mình sẽ học gì, ra trường làm gì, kỹ năng nào là cốt lõi để sinh tồn trong ngành ấy?

Đừng để kỳ thi đại học trở thành nơi “thi để được vào đâu đó”, rồi mới tìm hiểu “mình vừa bước vào cái gì”. Đừng để ngành học 4 năm trở thành “điều kiện thử nghiệm” cho một nghề bạn không thật sự hiểu.

Dự báo trong năm 2025, điểm chuẩn ngành Báo chí – Truyền thông sẽ có xu hướng:

- Giảm nhẹ ở một số chuyên ngành “truyền thống” như Báo chí in, Báo phát thanh, do cơ hội nghề nghiệp bị thu hẹp.

- Ổn định hoặc tăng nhẹ với các chuyên ngành gắn liền với nền tảng số như Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông quốc tế, Truyền thông số, PR, Digital Marketing.

Ngoài ra, chất lượng cơ sở đào tạo sẽ trở thành yếu tố phân hóa rõ nét. Các trường top đầu như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), Đại học Kinh tế Quốc dân (với ngành Truyền thông Marketing) vẫn duy trì sức hút với thí sinh giỏi. Trong khi đó, các trường ngoài công lập hoặc trường mới mở ngành có thể gặp khó khăn trong việc thu hút thí sinh chất lượng cao.

Ngành Báo chí – Truyền thông vẫn có sức hút nhưng phù hợp với những ai:

Có khả năng giao tiếp, viết lách, tổ chức nội dung rõ ràng.

Biết lắng nghe, có tư duy phản biện, có sự nhanh nhạy thời sự.

Sẵn sàng làm việc trong môi trường áp lực, cạnh tranh cao, thay đổi liên tục.

Tự học công nghệ, làm chủ nền tảng số, hiểu quy luật truyền thông đa phương tiện.

Ngành học không phải là trào lưu. Nó là cánh cửa dẫn đến tương lai nghề nghiệp. Một lựa chọn thiếu hiểu biết sẽ khiến bạn đánh mất 4 năm thanh xuân hoặc ít nhất là đánh đổi sự tự tin của chính mình.

Hãy chọn ngành vì bạn hiểu nó vì bạn thấy mình phù hợp và muốn sống với nó lâu dài. Một ngành từng hot không có nghĩa là luôn “ăn nên làm ra”. Một ngành điểm thấp không có nghĩa là không có triển vọng.

Người đi học thông minh không phải là người vào được ngành điểm cao mà là người biết đi đúng hướng – kể cả khi hướng đó... ngược chiều số đông.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chạm ngưỡng điểm cao nhất nước, ngành học này đang chuyển mình mạnh mẽ để đón đầu thời đại số: Dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhẹ?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO