Thuế - Bảo hiểm

Chậm đóng bảo hiểm xã hội 15 tháng, doanh nghiệp "giày quốc dân" tọa lạc tại "đất vàng" Nguyễn Trãi làm ăn ra sao?

Lê Thành 11/07/2025 16:48

Từng là biểu tượng một thời của ngành sản xuất giày dép Việt Nam, đơn vị này đã chậm đóng bảo hiểm cho người lao động suốt 15 tháng.

Công ty CP Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD) gây chú ý khi mới đây đã bị BHXH Khu vực I “điểm tên” trong danh sách 20.214 đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 2 tháng trở lên tại Hà Nội.

giày thượng đình chậm đóng bảo hiểm cho người lao động
Giày Thượng Đình từng được xem là thương hiệu gần như có tuổi đời lâu nhất tại Việt Nam

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2025, đơn vị này đã chậm đóng bảo hiểm cho người lao động suốt 15 tháng, với số tiền lên đến hơn 7,1 tỷ đồng.

Tiền thân là xưởng X30 phục vụ quân đội từ năm 1957, chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2016 và niêm yết trên UPCoM cùng năm với mã GTD, Giày Thượng Đình từng được xem là doanh nghiệp tiềm năng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu GTD thuộc diện cảnh báo khi báo cáo tài chính năm có ý kiến kiểm toán ngoại trừ ít nhất trong ba năm liên tiếp.

Trụ sở chính đặt tại số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Giày Thượng Đình có vốn điều lệ 93 tỷ đồng, trong đó nhà nước góp gần 63,9 tỷ (tỷ lệ 68,7%), Công ty Đầu tư Thương mại Thái Bình nắm 10% và các cổ đông khác chiếm 21,3%. Người đại diện pháp luật hiện là ông Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1972), theo ghi nhận ngày 26/6/2025.

Kết quả kinh doanh năm 2024 cho thấy dấu hiệu sa sút đáng kể. Với doanh thu thuần giảm 1,7% xuống còn 78,8 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm mạnh 36,8%, Giày Thượng Đình phải gánh khoản lỗ ròng gần 13 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần mức lỗ của năm trước. Chi phí tài chính giảm nhẹ, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm gần 9%. Kết quả này khiến áp lực lên năng lực tài chính càng trở nên nặng nề.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Thượng Đình trở nên sa sút (Nguồn: fitrade )

Đơn vị kiểm toán độc lập năm 2024 bên cạnh việc đưa ra ý kiến ngoại trừ về các khoản công nợ khó thu hồi hơn 14,6 tỷ đồng, mà còn nhấn mạnh tình trạng mất cân đối tài chính: tại ngày 31/12/2024, nợ ngắn hạn của Giày Thượng Đình đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 14,1 tỷ đồng. Theo đánh giá, khả năng tiếp tục hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc thu hồi nợ, gia hạn khoản vay, nghĩa vụ với ngân hàng, nhà cung cấp và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của công ty đã tăng lên 94 tỷ đồng. Trong đó gần 30 tỷ là vay và nợ thuê tài chính. Chủ nợ lớn nhất là Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội với dư nợ hơn 22 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo bao gồm toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Đồng Văn – Hà Nam, máy móc thiết bị tại trụ sở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), hàng hóa luân chuyển và quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thương mại.

Tình hình tài chính khó khăn không ngăn được tham vọng của ban lãnh đạo. Năm 2025, Giày Thượng Đình đặt mục tiêu sản xuất từ 700.000 đến 900.000 đôi giày, trong đó xuất khẩu từ 200.000 – 300.000 đôi. Kế hoạch doanh thu kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận mục tiêu chỉ khiêm tốn ở mức... 100 triệu đồng.

Một nhiệm vụ trọng yếu khác được ban lãnh đạo đặt ra trong năm nay là thực hiện thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại rằng nếu không kịp triển khai, rủi ro mất vốn là rất lớn – nhất là trong bối cảnh các chỉ số tài chính đều suy yếu, nợ nần chồng chất và niềm tin thị trường đang lung lay.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu GTD vẫn thuộc diện cảnh báo do bị kiểm toán “ngoại trừ” liên tiếp trong 3 năm, đồng thời thanh khoản yếu và tình hình tài chính xấu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chậm đóng bảo hiểm xã hội 15 tháng, doanh nghiệp "giày quốc dân" tọa lạc tại "đất vàng" Nguyễn Trãi làm ăn ra sao?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO