CEO Võ Thành Đàng tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS sau giao dịch bất thành

Cập nhật: 10:56 | 15/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Trước đó, CEO Võ Thành Đàng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS trong thời gian từ 12/10-10/11/2023 nhưng bất thành, do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Ông Võ Thành Đàng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ 17/11-15/12, sau khi mua bất thành 1 triệu cổ phiếu đăng ký trong thời gian từ 12/10-10/11.

CEO Võ Thành Đàng tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS sau giao dịch bất thành

Ông Đàng hiện đang nắm 28,3 triệu cổ phiếu QNS (tương ứng tỷ lệ 7,93%). Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của Phó Chủ tịch Đường Quảng Ngãi sẽ được nâng lên 8,2%, tương ứng 29,3 triệu cổ phiếu.

Kết phiên 14/11, giá cổ phiếu QNS dừng ở mức 47.300 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, ước tính ông Đàng cần chi hơn 47 tỷ đồng để hoàn tất mua số cổ phiếu QNS đã đăng ký.

Trước đó, ông Đàng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS trong thời gian từ 12/10-10/11/2023 nhưng bất thành, do điều kiện thị trường chưa phù hợp. Ngay khi có kết quả, vị này đã đăng ký mua lại 1 triệu cổ phiếu QNS như trên.

Về tình hình kinh doanh của Đường Quảng Ngãi, 9 tháng đầu năm 2023 Công ty có hơn 7.749 tỷ đồng doanh thu và 1.535 tỷ đồng lãi ròng, tăng tương ứng 23% và 79% so với cùng kỳ; thực hiện được 93% kế hoạch doanh thu và vượt 52% mục tiêu lợi nhuận năm.

Giá đậu nành hạ nhiệt giúp cải thiện biên lợi nhuận mảng sữa đậu nành

Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC dự kiến Hoạt động kinh doanh của Đường Quảng Ngãi trong quý 4/2023 và trong năm 2024 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ giá đậu nành thế giới hạ nhiệt và giá đường có xu hướng neo cao kỷ lục.

Diễn biến giá đậu nành trên thị trường thế giới giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: DSC)
Diễn biến giá đậu nành trên thị trường thế giới giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: DSC)

Đường Quảng Ngãi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đường với nhà máy ép mía An Khê có công suất 18.000 TMN/năm. Đây cũng là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất sữa đậu nành, sở hữu 3 nhà máy công suất 390 triệu lít/năm, thành công xây dựng thương hiệu sữa đậu nành Fami nổi tiếng. Công ty đã tận dụng bã mía làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy điện sinh khối An Khê có công suất 95MW. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đa dạng hóa doanh thu khi mở rộng sang mảng F&B khác như bánh kẹo, bia và nước khoáng.

Giá đậu nành thế giới đã giảm 25% kể từ mức đỉnh tháng 5/2022 xuống quanh mốc 1.280 USD/giạ. Nguồn cung đậu nành được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi. Nhờ vậy, DSC kỳ vọng năm 2024 giá đậu nành sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Đậu nành nguyên liệu của nhà máy sữa Vinasoy có hơn 70% là nhập khẩu, vì vậy chi phí nguyên liệu đầu vào phụ thuộc phần lớn vào giá đậu nành thế giới. Với diễn biến giá thuận lợi như dự báo, biên lợi nhuận mảng sữa đậu nành có thể được cải thiện trong năm 2024.

Giá đường cao kỷ lục

Các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang kinh doanh khởi sắc khi giá đường thế giới và trong nước đều tăng cao. Giá đường thế giới đã tăng gần 50% so với đầu năm, giao dịch quanh mức 27cent/lbs, mức cao kỷ lục trong vòng 12 năm. Lượng mưa thấp hơn 50% so với trung bình mọi năm đã khiến sản lượng mía của Ấn Độ sụt giảm và nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường cho mùa vụ tới. Ngoài ra, lo ngại về xu hướng chuyển dịch sang sản xuất ethanol từ mía do giá dầu neo cao cũng góp phần làm giá đường tăng phi mã.

Diễn biến giá đường tại Việt Nam và trên thị trường thế giới giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: DSC)
Diễn biến giá đường tại Việt Nam và trên thị trường thế giới giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: DSC)

Ở trong nước, giá bán của các nhà máy đường đã đạt 26.000/kg vào cuối tháng 10, tăng 40% so với đầu năm. Hiện nay, nguồn cung mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhu cầu sẽ còn tăng trong giai đoạn cuối năm do các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo và nước ngọt bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm phục vụ dịp lễ tết. Vì vậy, DSC cho rằng doanh thu mảng đường của Đường Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ giá đường tiếp tục tăng cao.

Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi tiếp tục hưởng lợi từ chính sách phòng vệ thương mại. Tháng 8/2023, Bộ Công Thương đã gia hạn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường Thái Lan cho đến năm 2026. Việc giá đường nhập khẩu tăng và kiểm soát đường nhập lậu sẽ giúp các doanh nghiệp mía đường trong nước tiếp tục tăng sức cạnh tranh.

Hiện nay, Đường Quảng Ngãi đang đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía ở lên 30.000-40.000ha trong niên vụ 2023/2024, sản lượng mía dự kiến đạt 2,1 triệu tấn. Với các yếu tố thuận lợi về sản lượng, giá bán và nhu cầu tiêu thụ, DSC kỳ vọng Đường Quảng Ngãi có thể tận dụng tốt thời cơ để giành lại thị phần từ đường nhập khẩu và củng cố vị thế doanh nghiệp lớn thứ 2 ngành đường.

Với kỳ vọng giá đường tiếp tục neo ở mức cao và giá đậu nành nguyên liệu duy trì ở mức thấp, DSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Đường Quảng Ngãi năm 2024 đạt lần lượt là 11.991 tỷ (+6% YoY) và 2.177 tỷ (+14% YoY). EPS fw dự kiến đạt 6.100 đồng/cp. Với P/E mục tiêu là 10,7 lần, giá mục tiêu 1 năm cho QNS là 65.300 đồng/cp, upside 37% so với mức giá đóng cửa ngày 9/11/2023.

Tương lai “ngọt ngào” cho cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi

Các chuyên gia dự báo giai đoạn 2023 - 2024, nhờ diễn biến thuận lợi của giá đường biên lợi nhuận mảng sữa đậu nành ...

Giá đường lấy lại đà tăng, cổ phiếu nào được kỳ vọng nhất?

Giá đường quay trở lại đà tăng sau áp lực điều chỉnh diễn ra từ tuần trước khi giá đường chạm đỉnh cao nhất trong ...

“Ngọt lịm” như Đường Quảng Ngãi (QNS): Sắp cán đích doanh thu, vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và đang ở rất gần vạch ...

Quỳnh Nga