CEO Shin Coffee đứng vững trên thương trường sau hai lần khởi nghiệp thất bại

Cập nhật: 10:42 | 26/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Từng thất bại với với cà phê, nhưng ông Nguyễn Hữu Long vẫn quyết định gây dựng lại sự nghiệp với thương hiệu Shin Coffee. Chỉ có khác, lần này ông Long chọn tín đồ của thức uống đầy mê hoặc này để phục vụ.

ceo shin coffee dung vung tren thuong truong sau hai lan khoi nghiep that bai

Chuỗi trà sữa Đài Loan bắt đầu rút khỏi thị trường Việt Nam từ hôm nay

ceo shin coffee dung vung tren thuong truong sau hai lan khoi nghiep that bai

Mai Hoàng Phương - tân CEO của The Coffee House gây xôn xao dư luận

ceo shin coffee dung vung tren thuong truong sau hai lan khoi nghiep that bai

Tân CEO tại The Coffee House là ai?

Cái giá của sự hời hợt

Trong giới kinh doanh cà phê ở Sài Gòn, Shin Coffee mới có 9 tháng tuổi, tính từ cửa hàng đầu tiên; nhưng ông Long đã trong nghề ngót nghét hai chục năm nay, cũng thua thiệt với nghề nhiều.

Hồi học phổ thông, ông Long đã đi làm rẫy cà phê ở Gia Lai cho gia đình họ hàng. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề rang xay cà phê, bỏ mối và thất bại không lâu sau đó.

Chín năm sau, ông Long lại cùng một người bạn khởi nghiệp quán cà phê Bonsai với ý tưởng vừa uống cà phê, vừa ngắm cây Bonsai. Dự án này cũng tồn tại không lâu và hệ quả là ông phải bán luôn căn nhà tích cóp bằng tiền kiếm thêm từ việc phiên dịch tiếng Nhật trong mấy năm.

Nhưng, ông tâm sự, phải đến lúc bắt đầu trở lại với Shin Coffee, ông Long mới hiểu ra được nguyên nhân mình thất bại. Đó là, sự đam mê hời hợt, nửa vời, không hiểu gì từ hạt cà phê cho đến phân khúc thị trường mà vẫn xông ra đường mở quán, mở xưởng rang xay. Đó cũng là bài học mà ông phải trả giá bằng nhiều năm trời làm thuê bên Nhật để trang trải cuộc sống và làm lại từ đầu.

Nhưng trong cái rủi có cái may, thời gian làm việc bên Nhật giúp ông Long có dịp tiếp xúc với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu thế giới, học được chữ nhẫn, chữ tín đã làm nên thương hiệu của người Nhật trên toàn cầu.

Với “nghề” có sẵn, ông nhen nhóm ý tưởng trở lại với nghiệp kinh doanh cà phê. Chỉ có điều, cách làm sẽ phải khác. “Càng khách hiểu và say mê cà phê, họ càng trông đợi vào niềm say mê, tinh tế của người kinh doanh, của người phục vụ. Vì khi đó, họ sẽ không uống cà phê, mà là hưởng thụ một thú vui, khám phá những bí ẩn đằng sau thú vui đó”, CEO của Shin Coffee tiếp chuyện.

Ông đã học được bài học này từ chính cuộc đời mình, từ những lần thất bại trong sự nghiệp. “Muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nào cũng vậy, hãy là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Lơ là sẽ nhanh chóng thất bại. Đừng tưởng chúng ta quảng cáo những điều tuyệt hảo, đặt mặt bằng ở những vị trí đắt đỏ là có quyền bán cho khách hàng những thứ được làm với thái độ hời hợt”, ông Long nói.

Nguyễn Hữu Long chia sẻ: "Tôi đến với cà phê do hoàn cảnh quá nghèo. Lúc mới học hết lớp 2 nhà tôi rất nghèo, không đủ tiền cho tôi đi học nên tôi phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê. Đến năm 12 tuổi tôi đã phải rời gia đình để vào Gia Lai làm thuê trong rẫy cà phê, cắt cành, làm cỏ, đào hố bón phân và tới mùa cầm bao đi thu hoạch. Dù nhỏ nhưng tôi phải cố gắng để làm việc suốt trong thời gian dài”.

ceo shin coffee dung vung tren thuong truong sau hai lan khoi nghiep that bai
Ảnh: Nguồn Internet

Cái duyên với cà phê sau hai lần khởi nghiệp thất bại

Nguyễn Hữu Long có diện mạo giản dị, khiêm nhường. Anh thường ăn mặc đơn giản với quần jeans, áo sơ - mi chứ không “mặc suit” như nhiều CEO khác. Ngay từ khi còn bé anh đã say mê cà phê, có duyên với cây cà phê có lẽ ngay từ lúc phải nghỉ học xa nhà theo người dì làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi 3 người em. Cứ lăn lóc như vậy nhiều năm, trải qua nhiều nghề kiếm sống và đối mặt với nhiều biến cố, đến năm 2000 khi tham vọng làm giàu được hun đúc thành ý chí khởi nghiệp anh đã hùn vốn với người bạn để rang xay và đi bỏ mối cà phê.

"Thất bại là tất yếu vì chúng tôi có quá ít kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu và gần như tất cả các kỹ năng cần thiết để làm kinh doanh", Long nhớ lại.

Sau lần thất bại đầu tiên anh vào đại học, tranh thủ làm thêm nghề phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống. Nhờ chịu khó tích luỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ. Năm 2009, Long lại nung nấu ý định khởi nghiệp, lần này là mở quán cà phê Bonsai. Khách hàng rất thích thú với ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm nghệ thuật từ cây cảnh, nhưng anh đã sớm nhượng lại quán cà phê đầu tiên này do mặt bằng nhỏ, không có nhiều tiềm năng phát triển. Ngay sau đó, anh cùng một người bạn mở một quán cà phê Bonsai khác với quy mô lớn hơn, song thất bại lại gõ cửa lần thứ hai.

Nguyên nhân chính là vì có quá nhiều khác biệt trong cách làm việc mà không được giải quyết bởi hai người vẫn để tình cảm bạn bè xen vào. Long mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc. Kết quả của những lần khởi nghiệp ấy là anh trắng tay, mất cả căn nhà. Anh chả còn cách nào khác là phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn tốt nhất là đi xuất khẩu lao động. Đó là vào thời điểm năm 2010.

Với vốn tiếng Nhật và sự động viên của vị cha nuôi người Nhật, Nguyễn Hữu Long quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật. Công việc không thú vị nhưng giúp anh có thu nhập. Thời gian sống ở Nhật giúp anh được tiếp cận với văn hoá và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu của nước Nhật và anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo. Rút kinh nghiệm từ hai thất bại trước đó, anh dành tới 5 năm để chuẩn bị cho lần khởi nghiệp thứ ba.

Ngoài công việc chính làm nhân viên kiểm soát chất lượng cho một nhà máy sản xuất phụ kiện cho tập đoàn Toyota, Long tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê. Anh tham gia bất cứ khoá học, hội thảo nào liên quan tới cà phê nào nếu có thể.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Hữu Long được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu về cà phê tại Nhật Bản mời về làm quản lý chất lượng. Công việc này giúp anh có cơ hội được kết nối với các công ty và các chuyên gia cà phê hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế của anh, đặc biệt là sau này khi anh quay trở lại khởi nghiệp ở Việt Nam.

Bốn năm sống, làm việc và học hỏi về cà phê tại Nhật Bản đã giúp Nguyễn Hữu Long tích luỹ được một số vốn và quan trọng hơn, rất nhiều kiến thức hữu ích để cuối năm 2015 anh quay về Việt Nam khởi nghiệp lần thứ 3, lần này là với thương hiệu hoàn toàn mới mang tên Shin Cà Phê. Tham gia ngành cà phê giúp Long hiểu rõ những điểm yếu cố hữu đang tồn tại của ngành cà phê trong nước. Điển hình như việc người ta cho vào cà phê rất nhiều hoá chất, ngô (bắp), bơ và đậu nành để cà phê khi rang có mùi thơm và đánh lừa vị giác của người dùng. Theo người sáng lập Shin Cà Phê, cuộc chiến với các loại cà phê tẩm, trộn chất lượng thấp chiếm đa số trên thị trường luôn diễn ra gay gắt nhưng Shin quyết tâm phải thay đổi thói quen uống cà phê của đa số người dân bằng loại cà phê rang xay chất lượng cao.

Sau một thời gian tập trung phát triển Shin Cà Phê, hiện nay vùng nguyên liệu trồng cà phê mà Công ty Shin Cà Phê đang kiểm soát có diện tích khoảng hơn 1.000 ha đối với loại hạt Robusta tại Gia Lai và khoảng 100 ha hạt Arabica tại vùng Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng. Với cơ cấu cung cấp cà phê ra thị trường của Shin hiện nay thì tỉ lệ Robusta chiếm hơn 80% tổng sản lượng với khoảng 500 tấn/năm, còn lại là Arabica.

Nguyễn Hữu Long cho rằng, ngành cà phê Việt Nam còn manh mún từ vấn đề sở hữu nguồn nguyên liệu cho đến khâu thu mua, kiểm soát sau thu mua và định vị chất lượng dẫn đến không có thương hiệu và cuối cùng giá cả "xứng đáng" với những gì chúng ta vận hành ngành này. Theo Long, để giải quyết vấn đề này Việt Nam phải đi từng bước một. Đầu tiên, phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, thay vì sở hữu cá nhân thì nước ta nên hoạt động theo cơ chế hợp tác xã, đồn điền để kiểm soát quy trình nuôi trồng, thu hái và tập trung xây dựng cơ sở sơ chế với máy móc thiệt bị đầy đủ, phòng nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D), định vị chất lượng sản phẩm và có kế hoạch PR ra thế giới để bán với giá cao.

Không tiết lộ doanh thu của Shin Cà Phê, người sáng lập thương hiệu này chỉ cho biết doanh thu chính của công ty đến từ sản phẩm cà phê rang xay và các hợp đồng tư vấn mở quán cà phê. Hai quán Shin Cà Phê hiện đang tự "nuôi sống" bằng doanh thu của quán.

Thế còn cái tên Shin? Nguyễn Hữu Long cho biết anh lấy tên viết tắt của vị cha nuôi quá cố người Nhật để đặt tên cho quán như một sự tri ân. Anh được ông nuôi ăn học từ năm lớp 6 cho đến đại học, được ông cho đi học tiếng Nhật và nhờ có tiếng Nhật anh đã vượt qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc sống và cả thời gian làm việc ở Nhật sau này. Đó cũng là một lý do mà Long không muốn franchise Shin Cà Phê dù có rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn.

Hoài Sơn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm