CEO Facebook hé lộ "ác mộng" đang đến với các kỹ sư lập trình
Công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của kỹ sư trong tương lai.
AI tác động mạnh mẽ đến nghề kỹ sư
Tại hội thảo Stripe Sessions, Mark Zuckerberg – nhà sáng lập Meta chia sẻ lại hành trình xây dựng Facebook từ con số 0 cách đây 20 năm. Ông nhấn mạnh, thời điểm đó, bản thân phải tự làm mọi thứ vì chưa có công nghệ hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo ngày nay. Nếu được bắt đầu lại, Zuckerberg cho rằng AI sẽ giúp các nhà sáng lập tập trung hơn vào ý tưởng cốt lõi, giảm bớt gánh nặng về kỹ thuật.

Không chỉ là suy nghĩ mang tính cá nhân, xu hướng này đang hiện hữu tại những tập đoàn công nghệ lớn. Zuckerberg từng khẳng định, trong năm 2025, Meta và nhiều hãng công nghệ sẽ sử dụng AI tương đương với kỹ sư bậc trung để đảm nhận công việc lập trình. Đây không còn là viễn cảnh xa vời mà đang từng bước trở thành hiện thực.
Nghề kỹ sư đứng trước nguy cơ bị thay thế?
Trong bối cảnh AI ngày càng tỏ ra ưu việt trong việc tự động hóa các tác vụ phức tạp, câu hỏi về tương lai nghề kỹ sư công nghệ thông tin được đặt ra. Liệu AI có thể thay thế hoàn toàn kỹ sư bậc trung, hay chỉ là công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất?
Theo ông Harry Law, nhà nghiên cứu AI tại Đại học Cambridge, việc quá phụ thuộc vào AI trong lập trình có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng. Sự dễ dàng trong việc tạo ra mã lệnh có thể khiến người mới mất đi cơ hội học hỏi về cấu trúc hệ thống, dẫn đến kỹ năng lập trình không được củng cố vững chắc. Bên cạnh đó, nếu không đánh giá và kiểm tra mã code cẩn thận, nguy cơ bỏ sót lỗ hổng bảo mật là điều khó tránh khỏi.
Việc mở rộng quy mô hệ thống hay khắc phục lỗi (debug) cũng trở nên phức tạp hơn khi phần lớn mã nguồn được tạo ra bởi các mô hình AI, vốn không tuân thủ chặt chẽ các quy tắc và nguyên tắc phát triển phần mềm truyền thống.
“Vibe Coding” – Khi kỹ sư chỉ còn đóng vai trò hướng dẫn AI
Khái niệm “Vibe Coding” được Andrej Karpathy, đồng sáng lập OpenAI, khởi xướng từ đầu năm 2025, đang tạo ra những luồng tranh luận sôi nổi tại Silicon Valley. Theo đó, thay vì lập trình truyền thống, người kỹ sư chỉ cần trình bày ý tưởng cho AI, đưa ra các câu lệnh (prompt) và để AI tự động triển khai toàn bộ quá trình lập trình.
Điều này giúp tăng tốc độ hoàn thành sản phẩm, nhưng cũng đặt ra thách thức về chất lượng và sự kiểm soát. Chính Karpathy thừa nhận, đôi khi khả năng lập trình của AI vượt quá sức tưởng tượng của ông, khiến chính con người cũng phải “nghiền ngẫm” để hiểu rõ những gì AI đã tạo ra.
Các “ông lớn” công nghệ đang sử dụng AI thế nào?
Google: CEO Sundar Pichai từng tiết lộ rằng, hơn 25% dòng lệnh mới tại Google đã do AI tạo ra, con người chỉ đóng vai trò kiểm tra và hoàn thiện.
Meta: Tuyên bố 2023 là “năm hiệu quả”, Mark Zuckerberg đã thực hiện nhiều đợt sa thải, cắt giảm chi phí và đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong hoạt động lập trình.
Shopify: CEO của hãng yêu cầu các quản lý trước khi tuyển thêm người phải chứng minh rằng AI không thể đảm nhận tốt hơn.
OpenAI: CEO Sam Altman dự đoán, đến cuối năm 2025, việc lập trình sẽ thay đổi hoàn toàn dưới tác động của AI.
Không chỉ có các công ty lớn, các startup cũng đang tận dụng AI để tinh gọn bộ máy, giảm quy mô đội ngũ kỹ sư mà vẫn đảm bảo khối lượng công việc tương đương.
Dù AI mang lại nhiều lợi ích về hiệu suất và chi phí, nhưng khả năng thay thế hoàn toàn kỹ sư vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Thực tế, AI có thể hỗ trợ giải quyết các công việc có tính lặp lại, nhưng việc sáng tạo giải pháp, đánh giá rủi ro bảo mật và tối ưu hóa kiến trúc hệ thống vẫn đòi hỏi sự can thiệp của con người.