Mô hình mới

Câu chuyện về người nông dân Thanh Hóa bỏ chanh, bỏ gấc đi trồng thứ cây quý mà trở thành tỷ phú

Nhược Vy 22/07/2025 19:00

Từng thất bại với nhiều loại cây trồng, nông dân Hà Văn Dũng ở Thanh Hóa đã tìm thấy lối đi bền vững với giống cây mới này.

Từ bế tắc đến lựa chọn ít ai ngờ

Nằm dưới chân núi ở xã Giao An (Thanh Hóa), làng Trô từng là vùng đất nhiều nông dân bỏ hoang hoặc trồng thử nghiệm đủ loại cây như gấc, chanh, vải, bưởi… nhưng đều không hiệu quả. Trong số đó, ông Hà Văn Dũng, một người Mường với kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán dược liệu cũng không tránh khỏi những thất bại liên tiếp.

Ông Dũng kể: “Tôi từng trồng tới 5.000 gốc gấc, 500 gốc chanh mà không bán được. Có lần phải xách từng rổ gấc, từng túi chanh xuống thành phố rao bán. Khó khăn đủ bề, vừa mệt vừa tủi.”

Từ thực tế đó, ông bắt đầu quan tâm đến cây cau – một loại cây ít ai chú ý nhưng lại có đầu ra ổn định. Nhờ kinh nghiệm trong ngành dược liệu, ông nhận thấy hạt cau khô được các cơ sở đông y thu mua, và thương lái sẵn sàng đến tận vườn để mua quả cau.

Nhờ trồng cau mỗi năm gia đình ông Hà Văn Dũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Nhờ trồng cau mỗi năm gia đình ông Dũng thu hàng trăm triệu đồng

Năm 2006, ông mạnh dạn trồng 1.200 gốc cau. Dù phải đợi 5 năm mới có quả bói, nhưng ưu điểm như ít sâu bệnh, chi phí thấp, không cần tưới thường xuyên và đầu ra ổn định khiến ông quyết định mở rộng quy mô.

5 ha rừng cau và 700 triệu đồng mỗi năm

Từ năm 2017 đến 2019, ông Dũng mở rộng diện tích lên 5 ha với tổng cộng 14.000 cây cau. Tính đến nay, khoảng 7.000 cây đã cho thu hoạch đều đặn. Quả cau bán được quanh năm với giá từ 20.000 đồng/kg trở lên – mức giá đủ để mang lại lợi nhuận rõ rệt.

Không dừng lại ở đó, ông còn trở thành người ươm giống cau có tiếng trong vùng. Ban đầu chỉ ươm để trồng thêm, nhưng thấy giống tốt, bà con tìm đến mua. Năm 2024, ông xuất ra thị trường khoảng 30.000 cây giống, giá trung bình 25.000 đồng/cây. Cộng với thu nhập từ 5 tấn cau quả, tổng thu năm đó đạt khoảng 700 triệu đồng.

Cây cau là chìa khóa mở ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình ông Dũng
Cây cau là chìa khóa mở ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình ông Dũng

Ông Dũng chia sẻ: “Cau giống phải lấy từ cây mẹ trên 15 năm tuổi. Tôi cam kết bảo hành đến lúc cây cho quả, hướng dẫn tận tình cách trồng, chăm sóc, xử lý sâu bệnh cho bà con.”

Song song, ông cũng tận dụng thân cau để trồng xen cây cốt toái bổ – một loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, được thương lái thu mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg củ. Mô hình canh tác kết hợp giúp tăng hiệu quả sử dụng đất mà không ảnh hưởng đến cây chính.

Lan tỏa mô hình và niềm tin của người làng

Thành công của ông Hà Văn Dũng không dừng lại ở những con số, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Hàng chục hộ dân trong làng Trô đã học theo mô hình trồng cau. Diện tích cau toàn làng hiện đã vượt 20 ha, biến vùng đất đồi trọc trước kia thành rừng cau xanh mát.

Ông Hà Văn Oanh, một nông dân 60 tuổi, chia sẻ: “Trước trồng keo, trồng mía vất vả quá. Nay tôi trồng hơn 2.600 gốc cau, đỡ cực hơn hẳn. Cau không cần tưới nhiều, chỉ làm cỏ và bón phân mỗi năm là đủ.”

Đặc biệt, ông Dũng luôn sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, kể cả thuê máy bay phun thuốc trừ rệp khi cần thiết. “Cau cũng có sâu bệnh nhưng dễ xử lý. Không như trồng gấc, phải phun thuốc đúng lúc hoa nở, rồi lo trái non rụng hết,” ông Dũng nhớ lại.

Sự chuyển mình của làng Trô từ vùng khó canh tác thành vùng chuyên canh cau đang mở ra triển vọng mới cho người dân. Cây cau – vốn bị chê là “nhàn quá không có ăn” – nay trở thành trụ cột kinh tế của nhiều hộ dân vùng cao Thanh Hóa.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Câu chuyện về người nông dân Thanh Hóa bỏ chanh, bỏ gấc đi trồng thứ cây quý mà trở thành tỷ phú
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO