[Cập nhật] Kết quả kinh doanh ngành nhiệt điện 2020: Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ hơn nửa nghìn tỷ, bất ngờ lớn đến từ Hải Phòng

Cập nhật: 13:24 | 27/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhóm ngành nhiệt điện có 6 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, gồm: Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Nhiệt điện Cẩm Phả (Mã: NCP), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) và Nhiệt điện Ninh Binh (NBP). Trong số này duy nhất chỉ có Nhiệt điện Cẩm Phả báo lỗ trong năm 2020.

Hoá chất Đức Giang đặt mục tiêu lãi sau thuế quý I tăng 25%, lập công ty bất động sản vốn 500 tỷ đồng

2 doanh nghiệp cùng "họ" FPT, FOX tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong năm 2020

Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ cả năm lên tới 581 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả (UPCOM - Mã: NCP), doanh thu quý IV ghi nhận 1.132 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn là gần 1043 tỷ đồng – chiếm 92% trong doanh thu thuần và tăng 19,2% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp cả quý còn gần 90 tỷ đồng – giảm 45% so với quý IV/2019.

Trong kỳ, Nhiệt điện Cẩm Phả vẫn còn gánh nặng khoản vay nợ thuê tài chính với dư nợ vay tài chính ngắn hạn 1.536 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 1.646 tỷ đồng nên chi trả lãi vay trong quý là 58,7 tỷ đồng. Cùng với đó, khoản chi phí tài chính khác ở mức rất cao khiến NCP phải chi trả chi phí tài chính lên tới 532,6 tỷ đồng cao gấp 6,7 lần cùng kỳ 2019.

Trừ thêm các loại chi phí khác, Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ 464 tỷ đồng trong quý IV/2020, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 82 tỷ đồng.

1753-zz-cym-phy
(Nguồn: TT Tổng hợp từ BCTC của Nhiệt điện Cẩm Phả)

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần đạt 4.230 tỷ đồng tăng 5,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm tới 581 tỷ đồng trong khi năm 2019 vẫn có lãi gần 3 tỷ đồng.

Nhiệt điện Cẩm Phả giải trình, nguyên nhân lỗ lớn là do trong kỳ công ty thực hiện phân bổ chênh lệch tỷ giá được Bộ Tài chính cho treo lại từ năm 2016 với số tiền 465,5 tỷ đồng.

Bất ngờ với ngôi vị quán quân tăng trưởng về lợi nhuận

Năm 2019, quán quân lợi nhuận trong nhóm ngành nhiệt điện thuộc về Nhiệt điện Phả Lại. Tuy nhiên năm 2020 CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCOM – Mã: HND) bất ngờ soán ngôi với số lãi sau thuế kỷ lục 1.452 tỷ đồng, tăng trưởng gần 24% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Trong đó, tính riêng quý IV, Nhiệt Điện Hải Phòng ghi nhận lãi sau thuế 531 tỷ đồng.

Nhờ tiết giảm chi phí, doanh thu tài chính tăng, chi phí tài chính giảm nên Nhiệt điện Hải Phòng báo lãi trong năm vừa qua.

1522-nhiyt-yiyn
(Nguồn: TT Tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp nhiệt điện)

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE – Mã: PPC) lùi xuống vị trí số 2 khi ghi nhận lũy kế cả năm 2020 đạt 7.929 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.007 tỷ đồng giảm 20% so với năm 2019.

Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 8.277,12 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 765,47 tỷ đồng theo đó kết thúc năm 2020 mặc dù chưa hoàn thành mục tiêu về doanh thu nhưng PPC vượt được tới 58% mục tiêu LNTT.

Kết quả kinh doanh của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM – Mã: QTP) tính chung cả năm 2020 và tính riêng quý IV/2020 có sự tăng trưởng chủ yếu đều do giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu.

Quý IV/2020, Nhiệt điện Quảng Ninh tiếp tục công tác đại tu tổ máy nên sản lượng điện sản xuất giảm hơn so với cùng kỳ năm trước dẫn tới doanh thu thuần của Công ty giảm 32%, còn hơn 1.870 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty thực hiện thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định, từ đó, chi phí khấu hao giảm giúp giá vốn (-62%) giảm mạnh hơn doanh thu thuần. Chính vì thế, Nhiệt điện Quảng Ninh vẫn có lợi nhuận gộp tăng 91%, đạt hơn 1.027 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng từ đó tăng từ 20% lên mức 55%.

Bên cạnh đó, với doanh thu tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi tăng 53%, đạt gần 16 tỷ đồng, Nhiệt điện Quảng Ninh có lãi sau thuế đạt gần 805 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2020, lãi sau thuế của Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ tăng 18% so với năm 2019, đạt 765 tỷ đồng. Trong đó, lãi gộp không thay đổi do doanh thu thuần giảm 15% và giá vốn giảm 17%. Biên lãi gộp tăng nhẹ từ 13% lên mức 15%.

Năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch đi lùi với tổng doanh thu hơn 9.813 tỷ đồng, giảm 3% và lợi nhuận sau thuế gần 351 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, Nhiệt điện Quảng Ninh vượt 118% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đã đề ra.

Hai doanh nghiệp nhiệt điện còn lại đều ghi nhận lợi nhuận dưới 100 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE - Mã: BTP) ghi nhận lãi sau thuế đạt gần 89 tỷ đồng trong năm 2020, giảm gần 50% so với năm 2019. CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX - Mã: NBP) báo lãi tăng nhẹ lên mức 34 tỷ đồng.

Đầu tư vào nhiệt điện than giảm dần

Trong thời gian qua, thị trường năng lượng thế giới chứng kiến một làn sóng cắt giảm khí thải ở các nước châu Á, báo hiệu động thái dần từ bỏ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, cắt giảm lệ thuộc vào than đá.

Chính phủ Philippines đã tuyên bố tạm hoãn và không chấp nhận đề xuất xây dựng các nhà máy điện than mới. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng tương lai bằng mục tiêu giảm tỷ trọng than trong ngành nhiệt điện xuống còn khoảng 10% vào năm 2030.

Sự hình thành những trung tâm nhiệt điện than Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương... đồng thời kéo theo sự xuất hiện những điểm nóng về ô nhiễm môi trường do tro xỉ và bụi mịn. Tương tự, dù đóng góp vào nguồn điện quốc gia, thủy điện đã “chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão” như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trong cơ cấu vốn đầu tư ngành điện, phần nguồn điện có sự thay đổi rõ rệt về tỷ lệ đầu tư các công trình nhiệt điện và năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tỷ lệ đầu tư vào nhiệt điện than đạt cao nhất ở ba năm 2024, 2025 và 2026, chiếm khoảng 40% trong tổng đầu tư nguồn điện. Các giai đoạn sau vốn đầu tư vào nhiệt điện than sẽ giảm dần do chuyển sang đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện khí. Vốn đầu tư lớn nhất là của các dự án năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí.

1423-nganh-yiyn
Nguồn: Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

Thu Thủy