[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 1/11/2021: Vàng trong nước tăng nhẹ

Cập nhật: 08:59 | 01/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Mở phiên giao dịch đầu tuần sáng ngày 1/11, giá vàng trong nước quay đầu tăng tại một số hệ thống kinh doanh trên toàn quốc. Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng nay vì đồng USD mạnh làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Giá vàng hôm nay 1/11/2021: Bước vào chu kỳ giảm giá ngày đầu tháng?

Dự báo giá vàng tuần tới (từ 1-6/11/2021): Nhiều ý kiến trái chiều

Giá vàng hôm nay 30/10/2021: Xuống mức thấp nhất sau báo cáo lạm phát của Mỹ

Cụ thể, doanh nghiệp Phú Quý và Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán. Trong khi đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và hệ thống PNJ, giá vàng giữ nguyên không đổi ở cả hai chiều giao dịch.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 57,80 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 58,47 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác cũng điều chỉnh giảm trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 80.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/11, giá vàng giao ngay giảm 0,18% xuống 1.781,3 USD/ounce vào lúc 5h30 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,16% xuống 1.782,5 USD.

5454-capnhatgivang111
Ảnh minh họa

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng ngày 1/11 vì đồng USD duy trì đà phục hồi, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,84% lên 94,108.

Giá xuống thấp nhất hơn một tuần trong phiên giao dịch cuối tuần trước, vì lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng và đồng USD mạnh.

Vàng, theo đó, một lần nữa không thể giữ vững mốc quan trọng 1.800 USD/ounce và tiếp tục mắc kẹt quanh vùng 1.700 USD, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị cho cuộc họp hàng tháng diễn ra trong tuần này.

Các nhà lập pháp dự kiến sẽ chịu áp lực để sớm giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế vì áp lực lạm phát cao.

Cuối tuần trước, báo cáo cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi hàng năm của Mỹ đạt 3,6% vào tháng 9, thấp hơn so với mức dự báo đồng thuận từ phía các chuyên gia là 3,7%. Chỉ số này đạt 3,6% kể từ tháng 6.

Mặc dù vàng được cho là hàng rào chống lại lạm phát, kim loại quý dường như không thể tận dụng được yếu tố này trong năm nay do kỳ vọng rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó đã gây áp lực lên kim loại này.

Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào báo cáo việc làm tháng 9 của nền kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến được công bố vào ngày 5/11.

Và bất kỳ sự tăng trưởng nào được ghi nhận cũng có thể là đủ để Chủ tịch Fed Jerome Powell và nhóm các nhà hoạch định chính sách của ông thu hồi 15 tỷ USD mỗi tháng từ khoản thu mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD của ngân hàng trung ương, theo Investing.

Giá vàng có thể tiếp tục xu hướng tăng với điều kiện có đủ động lực để vượt qua sức ép từ đà giảm của cuối tuần trước. Vàng có thể tăng lên các mức 1.796 USD, 1.830 USD và 1.873 USD.

"Trong ngắn hạn, thị trường đang dự đoán về một đợt giảm giá vào tháng 11. Tôi nghi ngờ chính Fed sẽ kích hoạt một số đợt giảm giá đối với vàng", người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, Bart Melek dự báo.

Chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng trên thị trường quốc tế đóng cửa ở mức 1.784 USD/ounce, giảm 15 USD so với phiên liền trước và giảm 8 USD mỗi ounce so với cuối tuần trước.

Trong tuần qua, có thời điểm giá vàng thế giới vọt lên 1.800 USD/ounce, chạm mức 1.803 USD/ounce, nhưng sau đó nhanh chóng bị đẩy giảm trở lại khi đồng USD hồi phục và áp lực bán ra chốt lời của giới đầu tư. Chính những người theo đuổi lợi nhuận đã đưa giá vàng giảm xuống khoảng 1% trong tuần.

Câu chuyện lạm phát dai dẳng cũng đang buộc thị trường xem xét chặt chẽ hơn động thái của các ngân hàng trung ương, đặc biệt trong tuần tới có các thông báo quan trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh. Tuần trước, động thái chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Canada là một diễn biến khá bất ngờ. Thị trường cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá vàng không thể giữ trên ngưỡng 1.800 USD. Đó cũng là lý do khiến nhiều người dự đoán Fed sẽ làm điều gì đó tương tự, vào một thời điểm nào đó.

Một quyết định diều hâu từ Fed có thể sẽ không quá bất ngờ. Theo kế hoạch, thông báo về lãi suất của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư và các thị trường dự kiến, ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD. Theo biên bản cuộc họp trước đó của Fed, việc "cắt giảm dần" sẽ bắt đầu vào tháng 11 và tháng 6. Còn theo dự đoán, 47% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 và 40% khả năng tăng lãi suất lần thứ hai vào tháng 9.

Biên bản cuộc họp FOMC tháng 9 cũng đã vạch ra một thời gian biểu tiềm năng bắt đầu vào tháng 11 với việc mua tài sản trị giá 15 tỷ USD cho mỗi tháng, trong đó, 10 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán được cơ quan thế chấp hỗ trợ.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng đang bắt đầu tính tới việc thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, điều này đang làm giảm kích thích kinh tế toàn cầu. Nhưng các thị trường có thể hơi phản ứng quá khích khi dự đoán việc tăng lãi suất ở Mỹ, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya nhận định.

Chúng ta phải nhớ rằng, trước khi Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất, họ cần thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm. Fed không thể tăng lãi suất một cách nhanh chóng. "Bạn sẽ thấy Chủ tịch Fed Powell được cho là vẫn cực kỳ thận trọng về việc tăng lãi suất. Với tất cả các hỗ trợ tài chính và tiền tệ đã có sẵn, nỗi sợ hãi lớn nhất sẽ là một sai lầm chính sách. Ông lưu ý rằng, Fed không thể để những nỗ lực đó trở nên lãng phí. Nếu họ trở nên diều hâu, điều đó sẽ phá vỡ mục tiêu của họ cho đến khi thị trường lao động phục hồi", Edward Moya phân tích.

Trong khi đó, hỗn hợp rất nhiều dữ liệu kinh tế vĩ mô đã tác động tới giá vàng trong tuần trước. Nhưng một câu chuyện vẫn không đổi là nỗi sợ lạm phát. Đó không chỉ là một vấn đề ở Mỹ hay châu Âu nữa, nó là một vấn đề toàn cầu. Cuối tuần trước, lạm phát tháng 10 của khu vực đồng Euro đã chạm mức cao nhất 13 năm, với con số 4,1%.

Rõ ràng, nỗi lo lạm phát sẽ không giảm bớt. "Hiện tại, thị trường dường như đang chuẩn bị đón đợi những gì Fed quyết định vào tuần tới. Thị trường không rõ ràng về việc liệu lạm phát có kéo giảm tăng trưởng trong vài quý tới hay không. Về phía vàng, nó gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thị trường đang thực sự gặp khó khăn trong việc biện minh cho sự gia tăng các vị thế trú ẩn an toàn".

Sean Lusk, đồng Giám đốc Walsh Trading, cho biết nếu vàng không giữ được mức 1.784 USD/ounce và sau đó giảm xuống dưới 1.745 USD, mọi thứ "có thể trở nên tồi tệ hơn". Khi đó giá vàng có thể về ngưỡng 1.680 USD/ounce.

Thu Uyên