Cao su Miền Nam (CSM): Lợi nhuận quý II/2022 giảm 16,1%, dòng tiền kinh doanh âm gần 20 tỷ đồng

Cập nhật: 11:43 | 22/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.401,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 18,96 tỷ đồng, giảm 16,1% so với cùng kỳ

Theo đó, trong quý II/2022, Cao su Miền Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.401,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 18,96 tỷ đồng, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,8% về còn 11,3%.

Cao su Miền Nam (CSM): Lợi nhuận quý II/2022 giảm 16,1%, dòng tiền kinh doanh âm gần 20 tỷ đồng
Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM - sàn HoSE)

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 11% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 19,62 tỷ đồng về 158,87 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 63,9%, tương ứng tăng thêm 5,04 tỷ đồng lên 12,93 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 50,2%, tương ứng tăng thêm 16,88 tỷ đồng lên 50,48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 21,1%, tương ứng giảm 26,33 tỷ đồng về 98,31 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Công ty cho biết thêm, giá vốn tăng chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí tài chính tăng do ảnh hưởng đánh giá chênh lệch tỷ giá.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Cao su Miền Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.630,97 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 27,12 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lỗ tỷ giá là 22,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2,4 tỷ đồng, tăng thêm 19,8 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Công ty dự kiến doanh thu 4.954,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế dự kiến 101 tỷ đồng, tăng 83% so với thực hiện trong năm 2021.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Cao su Miền Nam ghi nhận 33,78 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hoàn thành 33,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Cao su Miền Nam tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 19,45 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 350,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 6,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 9,7 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Cao su Miền Nam tăng 6,4% so với đầu năm lên 4.419,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 1.764,8 tỷ đồng, chiếm 39,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.176,2 tỷ đồng, chiếm 26,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.066,6 tỷ đồng, chiếm 24,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 21,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 186,5 tỷ đồng lên 1.066,6 tỷ đồng; tồn kho tăng 7,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 116,4 tỷ đồng lên 1.764,8 tỷ đồng.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm. Như vậy, với việc Công ty tăng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn có thể là nguyên nhân dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm.

Ngoài ra, về vay nợ, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 10,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 240,4 tỷ đồng lên 2.517,7 tỷ đồng và chiếm 57% tổng nguồn vốn.

Tham vọng mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 83% dù doanh thu gần như đi ngang

Năm 2022, CSM đặt mục tiêu doanh thu khá khiêm tốn với 4,954 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021; trong đó, doanh thu xuất khẩu dự kiến là 2,390 tỷ đồng, tăng 21%. Dù doanh thu có mức tăng thấp nhưng công ty kỳ vọng ghi nhận lãi trước thuế 101 tỷ đồng, tăng 83%.

Nhằm thực hiện kế hoạch trên, CSM dự kiến tiếp tục nâng cao chất lượng lốp TBR nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước. Đối với lốp PCR Advenza, Công ty sẽ phát triển thêm các quy cách để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.

Trong công tác bán hàng, Cao su Miền Nam tiếp tục tập trung phát triển thương hiệu Advenza thông qua mở các nhà phân phối khắp cả nước, đồng thời phát triển các kho hàng tại một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Trong khi đó, với nhóm lốp Radial toàn thép, Công ty vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm khách hàng xuất khẩu tiềm năng.

Trong năm 2021, sau khi ra mắt lốp Advenza, CSM đã thiết lập mạng lưới trung tâm dịch vụ cho dòng lốp này trên toàn quốc với 70 cửa hàng độc quyền, đồng thời triển khai phần mềm dùng QR code để quản lý lốp du lịch nội địa, bảo hành online và dự kiến triển khai hình thức thương mại điện tử trong năm 2022.

Đối với tình hình các dự án đầu tư, Cao su Miền Nam sẽ tạm dừng dự án đầu tư nâng công suất lốp TBR lên 600 ngàn chiếc/năm với lý do sản lượng tiêu thụ hiện tại chưa đạt công suất giai đoạn 1 là 350 ngàn chiếc/năm. Việc tạm dừng đã được sự chấp thuận của cổ đông lớn - Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến thị trường, Công ty có thể triển khai tiếp tục dự án.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 22/7, cổ phiếu CSM giảm 100 đồng về 17.800 đồng/cổ phiếu.

Cao su Miền Nam (CSM): Lợi nhuận quý II/2022 giảm 16,1%, dòng tiền kinh doanh âm gần 20 tỷ đồng
Diễn biến cổ phiếu CSM trong 3 tháng gần nhất (ảnh cắt màn hình từ nguồn cafef)

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Đức Chiến