Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?

Cập nhật: 08:54 | 21/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC) được nhắc tới trong bản kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát như một trong số những công cụ mà ông Nguyễn Cao Trí sử dụng trong thực hiện “kịch bản” chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan.

Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?
Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC) được xem là một trong số những công cụ mà ông Nguyễn Cao Trí sử dụng để thực hiện “kịch bản” chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng từ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan được Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an công bố mới đây không chỉ gây chấn động dư luận với số tiền khổng lồ mà bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” từ ngân hàng mà còn hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ.

Mặc dù được biết tới là người “một tay che trời” tại SCB và chiếm đoạt tới 304.096 tỷ đồng từ nhà băng này nhưng Chủ tịch Vạn Thịnh Phát vẫn bị đối tác là đại gia Nguyễn Cao Trí “qua mặt”. Theo kết quả điều tra, ông Nguyễn Cao Trí đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Trương Mỹ Lan số tiền 1.000 tỷ đồng.

Chủ nhân hệ sinh thái Capella đã nhận số tiền trên từ bà Trương Mỹ Lan thông qua ba hình thức, đó là: chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty CP Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, Cao su Công nghiệp là một doanh nghiệp hiện đang được niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán IRC. Đáng chú ý, dưới lời khai của các bị can cũng như kết luận của cơ quan điều tra, từng lớp trong bức tranh cổ đông của doanh nghiệp này đã được “lật mở”. Trên thực tế, “quyền lực” của ông Nguyễn Cao Trí không chỉ dừng lại ở 7,5% cổ phần mà Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) – pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Capella nắm giữ tại Cao su Công nghiệp. Đó là điều kiện để đại gia gốc Lâm Đồng sử dụng doanh nghiệp này như một công cụ để thực hiện “kịch bản” chiếm đoạt tài sản của bà Trương Mỹ Lan.

65% cổ phần Cao su Công nghiệp được định giá hơn 1.000 tỷ đồng

Thông tin về Cao su Công nghiệp, tài liệu điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát nêu, doanh nghiệp có tiền thân là Công ty TNHH MTV Cao su Công nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước; đặt trụ sở tại số 14, đường 21 tháng 4, phường Xuân Tân, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 470400040 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp lần đầu ngày 27/01/2005, đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 05/7/2021, vốn điều lệ là 175 tỷ đồng.

Quá trình sở hữu cổ phần Cao su Công nghiệp của đại gia Nguyễn Cao Trí bắt đầu trong hai năm 2016 – 2017, thời điểm doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá. Theo đó, ba cổ đông chiến lược của Cao su Công nghiệp gồm có: Capella Holdings của ông Trí sở hữu 7,5% vốn điều lệ, Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) sở hữu 56,58% vốn điều lệ và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc sở hữu 7,5% vốn điều lệ.

Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu được thể hiện tại báo cáo tài chính gần đây nhất của Cao su Công nghiệp là báo cáo tài chính quý III/2023.

Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?
Chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu ghi nhận tại báo cáo tài chính quý III/2023 của Cao su Công nghiệp

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, ngoài 255 cổ đông là cán bộ, nhân viên Cao su Công nghiệp, có 8 cá nhân ngoài công ty; trong đó có 4 cá nhân đứng tên hộ ông Nguyễn Cao Trí tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu lần lượt như sau: Bùi Anh Tuấn (6,96%), Vũ Kim Liên (7,65%), Đào Ngọc Bảo Phương (0,29%), Nguyễn Trọng Tâm (1,31%).

Tài liệu điều tra ghi rõ, ông Nguyễn Cao Trí đã thoả thuận mua lại 7,5% cổ phần của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc bằng hình thức “hợp đồng uỷ thác đầu tư”, qua đó sở hữu 5.464.300 cổ phần, tương ứng 31,22% vốn điều lệ của Cao su Công nghiệp. Nguồn gốc tiền mua cổ phần đều của ông Trí.

Căn cứ tài liệu thu thập, cơ quan điều tra xác định, tháng 12/2017, ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ của Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD và bà Lan thanh toán cho ông Trí 21,25 triệu USD, tương ứng số tiền quy đổi gần 478 tỷ đồng (tỷ giá 22.441 đồng/cp) để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí sở hữu.

Như vậy, tính theo tỷ giá thời điểm đó, 65% cổ phần của Cao su Công nghiệp được định giá lên tới gần 1.010 tỷ đồng, cao gấp 5,77 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.

“Đòn hiểm” của Nguyễn Cao Trí

Trở lại với thoả thuận giữa ông Trí và bà Lan, do cổ phần Cao su Công nghiệp chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm, nên hai bên thống nhất ký “hợp đồng uỷ thác đầu tư” và để Hồ Quốc Minh (người thân quen, môi giới của bà Trương Mỹ Lan) và người thân quen của ông Trí đứng tên trên hợp đồng. Thực hiện thoả thuận, ông Nguyễn Cao Trí chỉ đạo các cá nhân/pháp nhân đứng tên hộ ký hợp đồng uỷ thác đầu tư số 18/HĐ-UTĐT ngày 15/12/2017 nhận uỷ thác đầu tư với ông Hồ Quốc Minh, tổng số 5.464.300 cổ phẩn, chiếm tỷ lệ 31,22% vốn điều lệ của Cao su Công nghiệp, không ghi giá chuyển nhượng.

Việc uỷ thác đầu tư thực chất là mua bán cổ phần chưa được chuyển nhượng. Kết quả điều tra xác định, việc ký hợp đồng uỷ thác đầu tư không có việc thanh toán tiền giữa những cá nhân/pháp nhân ký chuyển nhượng với nhau mà thực tế là tiền của bà chủ Vạn Thịnh Phát thanh toán cho cá nhân Nguyễn Cao Trí.

Đáng chú ý, hợp đồng uỷ thác đầu tư là thoả thuận cá nhân giữa ông Trí với bà Lan không được thông báo cho Cao su Công nghiệp. Kết quả rà soát của cơ quan điều tra cổ đông tại doanh nghiệp này cho thấy không có tên Hồ Quốc Minh; công ty không được biết việc Công ty Long Thành Investment do ông Nguyễn Cao Đức (em trai ruột ông Trí) là đại diện cùng với 3 cá nhân Bùi Anh Tuấn, Vũ Kim Liên và Đào Ngọc Bảo Phương chuyển nhượng hoặc nhận uỷ thác 31,22% vốn điều lệ với ông Hồ Quốc Minh bằng hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư nêu trên.

Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, ông Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần nhận tiền từ bà Trương Mỹ Lan thông qua những người giúp việc của bà Lan, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng, bao gồm số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng gần 478 tỷ đồng mua vốn 31,22% vốn điều lệ của Cao su Công nghiệp cùng một số khoản tiền khác (mua lại Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Để đảm bảo tín nhiệm cho khoản tiền nói trên, ông Trí thống nhất chuyển cho bà Lan 10% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang - một pháp nhân trung tâm khác trong hệ sinh thái Capella của đại gia này, đồng thời thống nhất ông Hồ Quốc Minh là người đứng tên sở hữu. Khi đó, ông Trí đã chỉ đạo soạn thảo, yêu cầu nhân viên ký các văn bản chuyển nhượng. Bản thân bị can cũng ký Giấy chứng nhận cho ông Minh sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang (đứng tên hộ cổ phần cho Trương Mỹ Lan). Tuy nhiên, sổ sách hệ thống kế toán không ghi nhận việc thanh toán 1.000 tỷ đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ nêu trên.

Khoảng nửa tháng sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, ông Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký với nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát rồi hẹn gặp ông Hồ Quốc Minh để yêu cầu ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ và bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Nguyễn Cao Trí Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng, không trao đổi với bà Trương Mỹ Lan nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận từ nữ chủ nhân Vạn Thịnh Phát.

Ban đầu, tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cao Trí phủ nhận việc đã nhận 1.000 tỷ đồng từ bà Lan và quan hệ kinh tế với nữ đại gia, thậm chí còn khẳng định rằng bà Lan đã vu khống, bôi nhọ danh dự của mình. Điều này bị cơ quan điều tra đánh giá là thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản của bà Lan đến cùng. Tuy nhiên, sau đó bị can Nguyễn Cao Trí thừa nhận hành vi phạm tội và đã nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 640 tỷ đồng.

Vai trò của ông Nguyễn Cao Trí tại Cao su Công nghiệp

Đáng chú ý, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của Cao su Nông nghiệp ghi nhận, đại gia Nguyễn Cao Trí, với vai trò là Chủ tịch Capella Holdings - cổ đông lớn của Cao su Công nghiệp, đã tham gia HĐQT doanh nghiệp này kể từ năm 2018.

Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?
Thông tin về thành viên HĐQT Cao su Công nghiệp ghi nhận tại báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023

Theo báo cáo thường niên năm 2022, tại Cao su Công nghiệp, ông Nguyễn Cao Trí được nhận mức thù lao 95,3 triệu đồng, tương đương với ông Phạm Nam Hưng - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đăng Tấn – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty này.

Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?
Ông Nguyễn Cao Trí được nhận mức thù lao 95,3 triệu đồng, tương đương với ông Phạm Nam Hưng - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đăng Tấn – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Cao su Công nghiệp.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Cao su Công nghiệp diễn ra hồi cuối tháng 4, ông Nguyễn Cao Trí không tái cử trong danh sách HĐQT, thay vào đó là ông Nguyễn Cao Đức, em trai ruột của ông Trí.

Đáng nói, động thái này diễn ra chỉ vào ngày trước khi truyền thông đưa tin về việc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, tặng, cho… đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí cho tới khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tình hình kinh doanh trồi sụt

Về tình hình kinh doanh kể từ năm 2015 đến nay, kết quả doanh thu và lợi nhuận của Cao su Công nghiệp lên xuống một cách thất thường. Sau khi đạt đỉnh doanh thu vào năm 2017, doanh nghiệp này đã không thể “giữ vững phong độ”. Kể từ năm 2018 đến nay, Cao su Công nghiệp không thể chạm mốc doanh thu đạt được vào năm 2015, thời điểm chưa tiến hành cổ phần hoá.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 3 năm liên tiếp (2017 – 2019), trước khi đạt đỉnh (gần 16 tỷ đồng) vào năm 2020. Tuy nhiên, sau đó, lợi nhuận của Cao su Công nghiệp lại trở về với chu kỳ "đi lùi".

Kể từ quý IV/2022 đến nay, doanh nghiệp này đã lỗ 4 quý liên tiếp. Nguyên nhân là tình trạng kinh doanh dưới giá vốn đã khiến lợi nhuận gộp sụt giảm, không đủ để bù đắp các loại chi phí phát sinh.

Báo cáo tài chính quý III/2023 ghi nhận doanh thu của Cao su Công nghiệp đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động đồng loạt tăng cao đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 19 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Cao su Công nghiệp đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm gần 6,4 tỷ đồng. Với kết quả này, mục tiêu lãi 6 tỷ trong năm 2023 ngày càng trở nên xa vời.

Cao su Công nghiệp (IRC) đóng vai trò thế nào trong “cú lừa” 1.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?
Kết quả kinh doanh của Cao su Công nghiệp kể từ năm 2015 đến nay

Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Cao su Công nghiệp ghi nhận ở mức 184 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản tiền gửi có kỳ hạn chiếm 46%, ghi nhận ở mức 85 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản tiền gửi có kỳ hạn đến 12 tháng được chia nhỏ và gửi tại nhiều ngân hàng khác nhau với lãi suất dao động từ 7-10%/năm.

Ở phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Cao su Công nghiệp ghi nhận ở mức 11 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp không vay vốn và chỉ có các khoản phải trả về thuế, quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ tên người tố giác Cựu Cục trưởng NHNN nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Theo kết luận điều tra, người tố giác hành vi nữ cục trưởng nhận tiền hối lộ là một sếp lớn của SCB.

Chủ tịch Ngân hàng SCB được bà Trương Mỹ Lan chọn làm "tay trong" vì hiền lành

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Ngân hàng SCB như một công cụ giúp Chủ tịch Tập đoàn ...

Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?

Hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Cao Trí có cấu trúc “đồ sộ”, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản, kinh doanh ...

Hà Lê