Cảnh báo từ chuyên gia: Những thực phẩm phổ biến đang âm thầm "tàn phá" gan
Gan là cơ quan giải độc lớn nhất trong cơ thể, nhưng nhiều thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại lại đang âm thầm khiến gan bị tổn thương. Đáng lo ngại hơn, không ít thực phẩm phổ biến trên mâm cơm người Việt lại góp phần "phá hoại” lá gan mỗi ngày nếu dùng sai cách.
Rượu bia – “sát thủ” thầm lặng của tế bào gan
Dù là thói quen xã giao hay chỉ đơn giản để thư giãn, việc tiêu thụ rượu bia thường xuyên có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho gan. Theo các chuyên gia, gan phải xử lý tới 98% lượng rượu nạp vào cơ thể, và trong quá trình đó, chất độc acetaldehyde cùng các gốc tự do được sản sinh – đây chính là nguyên nhân gây hủy hoại tế bào gan và dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.

Đặc biệt, nữ giới dễ tổn thương gan hơn nam giới khi uống cùng một lượng rượu do khả năng chuyển hóa kém hơn. Các bác sĩ khuyến cáo, nên giới hạn tiêu thụ rượu bia dưới 15g mỗi ngày và nên uống chậm, kèm thức ăn, tuyệt đối không kết hợp với đồ uống có ga để giảm gánh nặng cho gan.
Nước ép trái cây – tưởng bổ nhưng lại “ngọt chết người”
Nhiều người tin rằng nước ép trái cây lành mạnh, tuy nhiên thực tế lại khác xa. Quá trình ép trái cây đã loại bỏ phần lớn chất xơ, chỉ giữ lại phần nước giàu đường fructose. Khi nạp vào cơ thể, lượng đường này dễ dàng chuyển hóa thành mỡ tại gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu.

Các nghiên cứu cho thấy, người thường xuyên uống nước ép trái cây có nguy cơ mắc bệnh gan cao hơn rõ rệt. Vì thế, nếu muốn bổ sung trái cây, hãy ăn cả quả thay vì ép lấy nước. Ngoài ra, cần tránh xa các loại đồ uống chứa “si rô ngô hàm lượng fructose cao” – yếu tố được ví như “thuốc độc ngọt” đối với gan.
Đồ chiên rán – "nơi trú ẩn" của axit béo chuyển hóa
Đồ chiên ngập dầu như gà rán, khoai tây chiên không chỉ gây béo phì mà còn chứa axit béo chuyển hóa – chất đã được chứng minh làm tăng nguy cơ tổn thương gan và gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu cho thấy, càng tiêu thụ nhiều loại chất béo này, chức năng gan càng suy giảm và nguy cơ bệnh gan càng cao.

Lời khuyên dành cho người nội trợ là nên sử dụng chảo chống dính, cho ít dầu, hạn chế chiên ở nhiệt độ cao và tuyệt đối không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Thay vào đó, chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc hoặc nướng sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Thực phẩm mốc – chứa độc tố gây ung thư gan mạnh nhất
Một trong những tác nhân phá hoại gan nghiêm trọng nhất lại đến từ các loại thực phẩm mốc như đậu phộng, ngô, gạo... chứa độc tố aflatoxin. Đây là chất gây ung thư gan cực mạnh, đã được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo.
Chỉ cần một phần nhỏ mốc cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho gan, vì vậy nguyên tắc “vứt bỏ toàn bộ nếu thấy mốc” là bắt buộc. Đồng thời, nên thận trọng với dầu ăn ép thủ công, vì chúng không trải qua kiểm nghiệm aflatoxin nghiêm ngặt.
Gạo trắng, bánh mì trắng – thủ phạm gây rối loạn đường huyết và gan nhiễm mỡ
Các loại thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng có chỉ số đường huyết cao, khiến đường trong máu tăng vọt sau khi ăn. Điều này buộc gan phải hoạt động nhiều để điều tiết đường huyết, dẫn đến tình trạng kháng insulin và lâu dần gây ra gan nhiễm mỡ.

Để bảo vệ gan, chuyên gia khuyên nên kết hợp ăn gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám cùng rau xanh không chứa tinh bột. Ngoài ra, nên ăn đủ ba bữa đúng giờ, không bỏ bữa để duy trì đường huyết ổn định và giảm áp lực cho gan.
Hải sản sống hoặc chưa nấu chín – nguy cơ viêm gan A rình rập
Các loại hải sản có vỏ như sò, hàu, ngao sống hoặc chưa được nấu chín kỹ có thể chứa virus viêm gan A. Chúng hoạt động như “máy lọc nước biển”, nên rất dễ tích tụ mầm bệnh nếu được nuôi ở vùng nước không an toàn.

Một đánh giá của 43 đợt bùng phát viêm gan A cho thấy thực phẩm sống từ biển là con đường lây lan chính. Do đó, người yêu thích hải sản nên chọn sản phẩm từ nguồn uy tín và luôn chế biến chín kỹ. Với người hay ăn sống hoặc hải sản thường xuyên, tiêm phòng viêm gan A là biện pháp bảo vệ chủ động và cần thiết.
Gan là cơ quan âm thầm, không có dây thần kinh cảm giác, nên thường chỉ phát hiện bệnh khi đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng. Vì vậy, chăm sóc gan phải là hành động chủ động từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Hãy bắt đầu từ việc loại bỏ những loại thực phẩm âm thầm “đầu độc gan” kể trên, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ “nhà máy hóa học” quan trọng nhất của cơ thể.