Hàng hóa - Giá cả

Căng thẳng leo thang, Trung Quốc "đóng băng" nhập khẩu 2 mặt hàng có mối liên kết đặc biệt với Mỹ

Linh Linh 23/04/2025 08:57

Trung Quốc đang giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sau khi căng thẳng thương mại leo thang. Thậm chí có nhóm sản phẩm giảm về 0.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang đã nhanh chóng kéo theo hệ lụy trên thị trường xuất nhập khẩu. Số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/4 cho thấy, nhiều mặt hàng chủ lực từ Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có nhóm sản phẩm giảm về 0.

mathang.png
Xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc sụt thảm: LNG, bông, lúa mì rút khỏi thị trường

Hai mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh nhất là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và lúa mì. Trong tháng 3/2025, Trung Quốc không ghi nhận bất kỳ lô hàng nào của hai mặt hàng này nhập từ Mỹ, đánh dấu mức nhập khẩu bằng 0 – một hiện tượng hiếm thấy trong quan hệ thương mại song phương.

Trước đó, trong quý I/2025, lượng LNG của Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 70%. Lúa mì cũng chịu số phận tương tự, dù trong năm 2024, Mỹ từng chiếm 17% lượng lúa mì nhập khẩu và 5% lượng LNG của Trung Quốc.

Thuế quan trả đũa khiến dòng chảy hàng hóa bị chặn đứng

Động thái cắt giảm nhập khẩu diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế từ 10–15% đối với sản phẩm năng lượng Mỹ từ tháng 2/2025, và mở rộng sang các mặt hàng nông sản kể từ tháng 3.

Tình hình tiếp tục xấu đi khi bước sang tháng 4, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đồng loạt công bố mức thuế trả đũa lên tới hơn 100% đối với hàng hóa của nhau. Việc leo thang thuế quan được dự báo sẽ tiếp tục khiến nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc lao dốc hoặc biến mất khỏi thị trường.

Bên cạnh LNG và lúa mì, nông sản Mỹ cũng ghi nhận mức giảm sâu chưa từng thấy. Cụ thể, nhập khẩu bông của Trung Quốc từ Mỹ giảm 90%, chỉ còn hơn 14.000 tấn trong tháng 3 – mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

Lượng ngô nhập khẩu từ Mỹ cũng tụt xuống dưới 800 tấn, tương đương mức ghi nhận vào tháng 2/2020 – thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tê liệt.

Ngay cả đậu tương – mặt hàng từng chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại nông sản song phương – cũng đang có dấu hiệu suy yếu, khi nhiều đơn hàng chuyển hướng sang Brazil và Argentina, nơi giá thấp và chính sách ổn định hơn.

Các mặt hàng năng lượng và kim loại cũng bị ảnh hưởng dây chuyền

Ngoài LNG, nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 36%, xuống còn 1,02 triệu tấn. Trong khi đó, than luyện kim – mặt hàng quan trọng trong ngành sản xuất thép cũng giảm mạnh 62%, còn 208.000 tấn.

nangluong.jpg
Các mặt hàng năng lượng và kim loại cũng bị ảnh hưởng

Đáng chú ý, mặc dù kim loại không nằm trong danh sách thuế mới của Trung Quốc, tuyên bố của chính quyền Mỹ về việc xem xét áp thuế với mặt hàng đồng đã gây ra hiệu ứng tiêu cực. Giá đồng tại Mỹ tăng mạnh, khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc cắt giảm đơn hàng, dẫn đến lượng phế liệu đồng nhập từ Mỹ giảm một nửa, chỉ còn hơn 22.000 tấn, và quặng đồng cũng giảm 38%, xuống còn khoảng 19.000 tấn.

Năm 2024, Mỹ vẫn là nguồn cung LPG lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu. Nhưng kể từ tháng 2/2025, Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu LPG từ Mỹ, chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác như Nhật Bản và Ấn Độ.

Tương tự, bông Mỹ từng chiếm gần 40% tổng lượng bông nhập khẩu vào Trung Quốc, với hơn 140.000 tấn. Nhưng đến tháng 3/2025, con số này rơi tự do xuống chỉ còn 14.000 tấn – một thay đổi cực lớn cho cán cân thương mại nông sản hai nước.

Giới phân tích cảnh báo, nếu tình trạng thuế quan trả đũa tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tái định hình, các doanh nghiệp phải thiết lập lại toàn bộ mạng lưới nhập khẩu – xuất khẩu, dẫn đến tăng chi phí, mất ổn định và thiếu bền vững.

Việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu từ Mỹ với nhiều mặt hàng chủ lực giảm tới 90% – thậm chí có mặt hàng về mức 0 – không chỉ là hệ quả của cuộc chiến thuế quan, mà còn phản ánh xu hướng tách rời chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại rõ rệt khi mất đi thị trường nhập khẩu lớn. Về lâu dài, bức tranh thương mại toàn cầu có thể sẽ thay đổi căn bản, khi các đối tác thương mại buộc phải tìm lối đi mới ngoài hai siêu cường.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Căng thẳng leo thang, Trung Quốc "đóng băng" nhập khẩu 2 mặt hàng có mối liên kết đặc biệt với Mỹ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO