Cảng Đà Nẵng (CDN) bỏ 2 mã ngành ‘hot’, không rời mắt khỏi dự án Cảng Liên Chiểu

Cập nhật: 09:57 | 13/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) vừa quyết định loại bỏ 2 mã ngành liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu và truyền tải, phân phối điện. Trong khi đó, các mục tiêu đều tập trung hướng đến đại dự án Cảng Liên Chiểu.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 vừa diễn ra, cổ đông Cảng Đà Nẵng đã biểu quyết thống nhất loại bỏ mã ngành 4661 (buôn bán dầu thô, buôn bán xăng dầu và các sản phẩm liên quan) và 3512 (Truyền tải và phân phối điện).

Theo trình bày của của doanh nghiệp cảng biển này, căn cứ vào giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp (tính đến 19/7/2023) của Sở KHĐT Đà Nẵng, CDN có đăng ký kinh doanh 03 mã ngành nghề liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Cụ thể gồm, mã ngành 4661 - Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan (Chi tiết: Bán buôn dầu thô; Bán buôn xăng dầu và các sản phầm liên quan); Mã ngành 4730 - Bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh; Mã ngành 4773 - Bán lẻ hàng hóa khác trong các cửa hàng chuyên doanh (Chi tiết: Bán lẻ hàng lưu niệm; Bán lẻ dầu hỏa, ga, than nhiên liệu; Bán lẻ hàng hóa khác chưa được phân vào đâu).

Hiện tại các hoạt động kinh doanh và tự cung, tự cấp xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của Cảng Đà Nẵng đều thực hiện tại Trạm nhiên liệu Cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Từ năm 2017 đến nay, Sở Công thương Đà Nẵng chỉ cấp cho Trạm này giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (tại Giấy chứng nhận số 51/GCNĐĐK-SCT cấp ngày 22/8/2023 và hiện thời có hiệu lực đến 22/8/2028).

Cảng Đà Nẵng loại bỏ các mã ngành liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu, điện
Cảng Đà Nẵng loại bỏ các mã ngành liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu, điện

Do vậy, hoạt động hiện nay của Trạm nhiên liệu Cảng Tiên sa hiện thời của CDN nói riêng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của Cảng nói chung là hoạt động bán lẻ nhiên liệu được quy định theo nội dung mã ngành 4730 và 4773. Cảng Đà Nẵng chưa dùng đến mã nghành 4661 và trong chiến lược phát triển trung, dài hạn của Cảng Đà Nẵng cũng không tập trung phát triển lĩnh vực bán buôn dầu thô, bán buôn xăng dầu và các sản phầm liên quan.

Tương tự, hiện tại Cảng Đà Nẵng có đăng ký kinh doanh 02 mã ngành nghề liên quan đến ngành điện, gồm mã ngành 3511 - Sản xuất điện (Chi tiết: Điện mặt trời); Mã ngành 3512 - Truyền tải và phân phối điện (Chi tiết: Phân phối điện).

Hiện tại Cảng Đà Nẵng có lắp đặt điện mặt trời tại văn phòng cảng ở số 26 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng nhưng vừa đủ để phục vụ cho hoạt động của văn phòng, không có thừa để hòa nhập và bán điện lại cho điện lực Đà Nẵng.

Vì vậy, Cảng Đà Nẵng chỉ sử dụng mã ngành 3511, còn lại chưa sử dụng đến mã ngành 3512. Trong kế hoạch phát triển trung, dài hạn, Cảng Đà Nẵng cũng không tập trung phát triển lĩnh vực phân phối điện.

Đại dự án Cảng Liên Chiểu: Nhiệm vụ có khả thi?

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, CDN cũng chốt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 1.380 tỷ đồng, tăng 7% so với kết quả đạt được năm 2023, lợi nhuận trước thuế ở mức 365 tỷ đồng, tăng 5,73%.

Như vậy Cảng Đà Nẵng tiếp tục kế hoạch năm sau phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận của năm trước. Điều đã diễn ra đều đặn từ năm 2018 đến nay. Năm 2021, dù kinh tế xã hội nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid 19, tuy nhiên Cảng Đà Nẵng vẫn tăng trưởng, và lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 345,22 tỷ đồng tăng 88,25% so với năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng bình quân giai đoạn 13,71%.

Hoạt động kinh doanh của Cảng Đà Nẵng tăng trưởng đều đặn, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn phá kỷ lục của năm trước
Hoạt động kinh doanh của Cảng Đà Nẵng tăng trưởng đều đặn, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn phá kỷ lục của năm trước

Đặc biệt, trong các kế hoạch và mục tiêu đề ra, Cảng Đà Nẵng đều không rời mắt khỏi đại dự án Cảng Liên Chiểu mà TP Đà Nẵng sắp triển khai giai đoạn 2.

Báo cáo của HĐQT CDN trình bày tại ĐHCĐ vừa qua nêu nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2024 – 2029 là xin được quyền xây dựng và khai thác Cảng Liên Chiểu. Đặc biệt, ‘ông lớn’ cảng biển miền Trung còn đặt kế hoạch đưa vào khai thác bến 1,2 dự án cảng Liên Chiểu trong giai đoạn 2024 – 2029.

CDN lên kế hoạch đảm bảo an toàn tài chính Công ty qua việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận được ĐHCĐ giao, tối ưu lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện kế hoạch vốn cho công tác đầu tư phát triển trong giai đoạn sắp đến, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư Cảng Liên Chiểu.

Trước đó, CDN đã thông qua chủ trương để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, kinh phí khoảng 7.400 tỷ đồng từ nguồn vốn tự huy động và vốn vay. Tại dự án này, Cảng Đà Nẵng sớm gặp đối thủ đáng gờm là Liên danh Công ty Cảng Adani (Ấn Độ) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (trụ sở tại Thanh Hóa). CDN và liên danh này cùng nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án 1 mà Đà Nẵng đề xuất (đầu tư 2 bến khởi động trong giai đoạn I với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến tiếp theo sẽ được triển khai sau).

Việc chọn phương án đầu tư nào cho giai đoạn 2 Dự án Cảng Liên Chiểu đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều phía, nhất là từ Cảng Đà Nẵng
Việc chọn phương án đầu tư nào cho giai đoạn 2 Dự án Cảng Liên Chiểu đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều phía, nhất là từ Cảng Đà Nẵng

Tuy nhiên, hiện tại UBND TP Đà Nẵng đang nghiêng về phương án 2, kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container; 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450 ha; lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn. Tổng mức đầu tư cho phương án này dự kiến lên đến 48.304 tỷ đồng.

Mới đây, Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký Tờ trình số 17/TTr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (phần kêu gọi đầu tư).

Nội dung quan trọng tại tờ trình này là việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo hướng kêu gọi đầu tư tổng thể bến cảng Liên Chiểu theo quy hoạch.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và TP. Đà Nẵng, đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021. UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức khởi công vào tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Một cảng biển thuộc VIMC báo lợi nhuận 205 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi tháng 4, cổ đông Cảng Đà Nẵng (CDN) đã thông qua việc đầu tư xây dựng bến ...

Lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận, Cảng Đà Nẵng (CDN) ‘chơi lớn’ với dự án 550 tỷ đồng

10 gói thầu thuộc dự án xây Trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang sẽ được Công ty CP Cảng Đà Nẵng (HNX: ...

Cao Thái