Cẩn trọng trước thông tin công bố của “tay to”

Cập nhật: 10:44 | 12/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua – bán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đó là tin tức. Ngoài thông tin vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tăng trưởng...) là thông tin phát đi từ doanh nghiệp, trong đó có công bố mua bán của cổ đông nội bộ. Tuy nhiên việc nắm bắt phân tích loại thông tin này đôi khi cũng khiến tôi lâm vào “ma hồn trận”.

Cẩn trọng trước thông tin công bố của “tay to”. (Đồ họa: Đức Anh)
Cẩn trọng trước thông tin công bố của “tay to”. Đồ họa: Đức Anh

Một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua – bán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đó là tin tức. Ngoài thông tin vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tăng trưởng...) là thông tin phát đi từ doanh nghiệp, trong đó có công bố mua bán của cổ đông nội bộ. Tuy nhiên việc nắm bắt phân tích loại thông tin này đôi khi cũng khiến tôi lâm vào “ma hồn trận”.

Cách đây không lâu, một doanh nghiệp tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá ngang mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Doanh nghiệp làm ăn rất hiệu quả, triển khai nhiều dự án mới khả thi. Bên cạnh ngành kinh doanh cốt lõi, công ty này còn tham gia đầu tư bất động sản. Vậy nhưng, sau ngày chốt quyền, nhiều thành viên HĐQT lại đồng loạt công bố bán quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.

Việc đó cũng là bình thường nếu các vị này thiếu tiền mua thực sự, hoặc việc bán quyền mang lại lợi nhuận đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ đây phần lớn là giao dịch thỏa thuận, các vị này công bố bán ra chỉ là “tay trái đảo qua tay phải”, chuyển tên từ những người trong HĐQT sang những người thân khác.

Trên thực tế, việc bán quyền ít tác động đến giá cổ phiếu, nên công bố bán quyền sẽ có lợi hơn cho cổ đông. Đứng tên người khác, sau này bán không phải công bố sẽ hạn chế ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu.

Có thể thấy, nước cờ trên của các cổ đông lớn đã cho thấy sự cao tay. Tuy nhiên, nếu cổ đông nhỏ lẻ không có đầy đủ thông tin để phân tích bản chất câu chuyện, mà vội vã hành động theo phỏng đoán có thể ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Có thể là hùa theo cổ đông lớn bán đi quyền mua cổ phiếu tốt, hoặc có thể bị ép giá khi bán quyền mua với lập luận rằng, người trong cuộc còn bán đi thì mình ở ngoài giữ làm gì.

Gần đây trên thị trường chứng khoán xuất hiện thông tin mua vào cổ phiếu của cổ đông lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian năm lần bảy lượt các cổ đông đó vẫn không mua vào như đã đăng ký.

Có thể kể tới trường hợp của cổ phiếu SAM của Công ty CP SAM Holdings. Tháng 9/2022, Công ty CP Chứng khoán Quốc Gia, tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT SAM đăng ký mua 2,3 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/9 đến ngày 25/10/2022, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, Chứng khoán Quốc Gia sẽ nâng sở hữu tại SAM Holdings từ 6,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,72% lên hơn 8,55 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,34%. Trước đó, từ ngày 21/7 đến ngày 19/8, tổ chức này cũng đã đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên nhưng không thành, do giá cổ phiếu SAM chưa phù hợp. Từ thời điểm công bố đến nay cổ phiếu SAM đã chiết khấu rất sâu. Nếu trong lần công bố này Chứng khoán Quốc Gia vẫn chưa mua với lý do giá chưa phù hợp thì có thể đặt dấu hỏi về tính nghiêm túc trong việc công bố gom cổ phiếu SAM của doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty CP NovaGroup (NovaGroup) đã đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) theo phương thức nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu qua hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán. Ông Bùi Cao Nhật Quân - con trai của ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT NovaGroup cũng đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu NVL. Chưa biết cổ phiếu NVL đã giảm đủ hấp dẫn hay chưa mà khiến cổ đông nội bộ hành động mua vào, nhưng việc này đã củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư và nhằm dẹp những tin đồn thiếu căn cứ liên quan.

Trước nhiều thông tin tiêu cực trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã chiết khấu khá sâu, nhiều mã giảm 50 – 70% so với đỉnh. Để ổn định tâm lý nhà đầu tư hoặc nâng đỡ giá cổ phiếu, tới đây có thể nhiều thông tin công bố mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ sẽ được công bố. Có thể nói đây là tin tích cực bởi chỉ ở trong doanh nghiệp mới có thể đánh giá đúng thực tại, giá trị của công ty.

Mỗi động thái bán ra, mua vào của các cổ đông lớn đều được nhà đầu tư rất quan tâm. Thậm chí, đó được coi là một trong những chỉ báo cho việc đầu tư của nhiều người. Tuy nhiên, cần tìm hiểu động cơ thật đằng sau mỗi việc công bố đó như thế nào trước khi hành động theo.

Tôi cho rằng, để đưa ra quyết định mua hay không mua theo cổ đông lớn một điều rất quan trọng cần xem xét là giá cổ phiếu đã giảm sâu so với đỉnh hay chưa, mức độ giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành như thế nào. Đặc biệt là giá cổ phiếu có giảm so với giá trị sổ sách hay không. Nếu cổ phiếu tốt mà giá giảm mạnh so với giá sổ sách thì có thể thấy cổ phiếu đã bị bán quá đà và đây là cơ hội gom tốt nhất.

Một điều quan trọng nữa là cần xem xét trong quá khứ, việc thực hiện mua – bán của các cổ đông sau công bố thông tin ra sao. Nếu cổ đông không nghiêm túc, công bố nhưng không làm theo những gì đã công bố thì cần tránh xa công ty đó. Bởi trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu, không nên bỏ vốn vào công ty mà ngay những người đứng đầu đã không giữ chữ tín.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Lê Ngọc Hoàng (Hà Nội)

Tin liên quan