Cần một “liều thuốc tăng lực” để doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19

Cập nhật: 15:34 | 30/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa chớm hồi phục thì dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với diễn biến nghiêm trọng hơn tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đối mặt khó khăn. Điều này tiếp tục cần đến các chính sách hỗ trợ kịp thời, đột phá và thiết thực hơn nữa, nhất là các chính sách về tín dụng.

Doanh nghiệp tiếp tục bị “giáng một đòn chí mạng”

Theo thống kê, của FiinGroup đối với 347 doanh nghiệp (DN) phi tài chính niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM đã công bố kết quả kinh doanh thì doanh thu thuần tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng tới 86,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đóng góp gần 40% doanh thu và lợi nhuận của 347 DN này đến từ nhóm phân phối xăng dầu - khí đốt và thép, nhờ giá dầu, khí và thép tăng cao.

3012-chauacknikkei1-xenb
Thị trường chứng khoán gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19

Trong khi đó, nhóm ngành mang tính “phòng thủ” (bao gồm công nghệ thông tin, điện, nước, dược phẩm) lại đang có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận quý II, trong đó một số nhóm ngành có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc kể từ đầu năm tới nay, song đợt bùng phát dịch lần thứ tư với mức độ nghiêm trọng hơn đã “giáng” thêm một “đòn chí mạng” vào cộng đồng DN. Trong đó, các DN niêm yết trên sàn chứng khoán cũng ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến thị trường có diễn biến tiêu cực theo.

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, cùng với đà giảm mạnh của các chỉ số, trong đó có những phiên VN-Index giảm tới xấp xỉ 60 – 70 điểm thì thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh. Nguyên nhân được các chuyên gia cho biết là do dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về sức khỏe DN cũng như thị trường, ảnh hưởng đến quyết dịnh giải ngân.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt, trong quý III/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực, bởi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng. “TTCK đang đón đợi quý III/2021 không mấy khả quan, nên nhà đầu tư có sự quan sát thêm cũng là hợp lý. Theo tôi, TTCK sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vaccine tại các thành phố lớn” – bà nói.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận định, với sự bùng phát dịch bệnh, nếu chậm trễ về miễn dịch cộng đồng thì GDP của Việt Nam có thể giảm xuống 5,1%. “Tôi quan ngại một chút về khả năng kiểm soát dịch bệnh, có thể việc kiểm soát dịch bệnh có thể phải kéo dài hết quý III. Thậm chí, hết năm với tốc độ tiêm chủng hiện tại” – ông Sơn chia sẻ.

Lãnh đạo VSD đánh giá việc kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động DN, khâu xử lý trong chuỗi đứt gãy cung ứng cho các DN, cho người lao động sẽ cần mất thời gian. Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ như gói 26.000 tỷ đồng, nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để cấp vốn cho doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng cũng dễ dàng hơn...

Cần một “gói tín dụng đặc biệt”

Theo các chuyên gia, một trong những “liều thuốc” mà DN đang cần nhất vào lúc này là những giải pháp đột phá hơn nữa về tín dụng. Nó đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bao gồm cả mức lãi suất ưu đãi và mở rộng khả năng tiếp cận vốn.

Trước đó, sau cuộc họp ngày 12/7 giữa Ngân hàng Nhà nước với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng đã tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, mức giảm phổ biến từ 0,5-2 điểm % đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.

3232-tien-1581209014600x400-15812146152551471350264-crop-15834778044681163299416
Nhiều ngân hàng đã tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tuy nhiên, theo cộng đồng DN, dù lãi suất cho vay hiện nay đã rất thấp nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của DN trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác nghiên cứu các gói tín dụng với lãi suất rất thấp để hỗ trợ DN.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ đề xuất có thể nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho DNNVV quy mô khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm, tức là nếu lãi suất thị trường khoảng 8% thì DN chỉ phải trả 4-5%/năm, còn lại ngân sách sẽ hỗ trợ.

Các ngân hàng thương mại, các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Quỹ Phát triển DNNVV phối hợp để cùng thực hiện. Theo đó, thời hạn hỗ trợ lãi suất có thể trong vòng 1 năm; áp dụng có trọng tâm, trọng điểm với DNNVV, DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà.

“Ước tính, với gói tín dụng trên, ngân sách sẽ bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai chính sách này” - vị chuyên gia nói.

Cũng cùng đề xuất một giải pháp tín dụng đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng nên thành lập một tổ hợp tín dụng với quy mô khoảng 300 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ chợp tín dụng này đi kèm với các quỹ bảo lãnh tín dụng. Tổ hợp cho vay này, theo vị chuyên gia, trước đây đã được Mỹ, Đức và một số nước áp dụng rất hiệu quả.

NHNN có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mại, đồng thời đưa ra quy chế, với điều kiện vay phải là tín chấp, lãi suất cho vay chỉ 3-5%.

“Tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng, tính ra quy mô khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian cho vay trong vòng 5 năm, trong đó 2 năm đầu vay tuần hoàn, 3 năm sau vay cố định và trả dần”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ý tưởng.

Ông cũng lưu ý, do cho vay tín chấp có rủi ro cao nên để ngân hàng có thể an toàn cho vay thì tổ hợp tín dụng trên cần phải liên kết với Quỹ Bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia, vốn phải lên tới 30 nghìn tỷ đồng và cho phép quỹ bảo lãnh 10 lần trên số vốn tự có.

TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng để có một gói tín dụng đặc biệt như vậy đòi hỏi sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại và sự vào cuộc của Chính phủ đề huy động nguồn lực của các quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV.

Theo vị chuyên gia, thật ra trước đó các quỹ bảo lãnh đã có từ lâu ở các tỉnh, thành, nhưng hoạt động kém có hiệu quả. Bản chất các quỹ này là tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho DN, ví dụ DN không đủ tài sản thế chấp thì các quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh.

Còn Quỹ hỗ trợ DNNVV, từ khi có Luật Hỗ trợ DNVVN, quỹ này cũng đã giải ngân nhưng con số không đáng kể, chỉ khoảng khoảng vài nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, TS Võ Trí Thành cho rằng gói tín dụng đặc biệt cần đến một cơ chế cụ thể để các DN có thể tiếp cận vốn thuận lợi. Bởi vì ngay cả có một gói tín dụng quy mô như vậy cũng không phủ hết được các DNNVV, do đó các DN sẽ phải đáp ứng các điều kiện để tiếp cận tín dụng.

“Vì vậy, bài toán sẽ quay lại vấn đề quy trình, các điều kiện, vấn đề bảo lãnh... để DN có thể tiếp cận gói tín dụng này. Tính cụ thể của đề xuất sẽ phải rõ ràng hơn” – ông nói.

Các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực... Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thực hiện các gói hỗ trợ hiện hành cần được triển khai nhanh gọn, trúng và hiệu quả; cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư - kinh doanh càng nhanh, càng tốt.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ngọc Lan

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm