Cấm nhập máy cũ sẽ làm hại doanh nghiệp nhỏ

05/05/2016 14:45

Hầu hết các đại diện doanh nghiệp dự Hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo thông tư 23/2015/TT-BKHCN” do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức ngày 4-5 đều phản đối việc hạn chế nhập khẩu máy móc cũ theo thông tư này.




Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng tiếp cận với những loại máy móc mới từ các nước phát triển, nhất là trong lĩnh vực cơ khí.


Điều các doanh nghiệp phàn nàn nhất về Thông tư 23 này vẫn là quy định chỉ được nhập máy móc có tuổi thọ dưới 10 năm.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, có rất ít máy móc cơ khí có tuổi thọ dưới 10 năm trên thị trường (chỉ chiếm khoảng 1%) và do một số công ty phá sản bán ra. Còn lại chủ yếu là các loại máy có tuổi thọ trung bình từ 15 – 30 năm mới được các công ty lớn bán đi để đổi máy mới. Các máy móc này trong những điều kiện nhất định vẫn còn sử dụng tốt vì được sản xuất tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo máy công cụ.

Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty thiết bị cơ khí MTC, cho rằng với doanh nghiệp tư nhân, nên để tùy theo tình hình tài chính của họ để có sự lựa chọn sao cho phù hợp.

“Khi tự bỏ tiền ra để mua sắm máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình, chẳng ai đi mua những dây chuyền thiết bị không thể sử dụng về để rồi phá sản. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn vài tỉ đồng đã được coi là lớn nhưng với khoản vốn này thì không thể tiếp cận với những loại máy móc mới, nhất là trong lĩnh vực cơ khí. Mà vay ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cũng không dễ”, ông Văn nói.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên buôn bán máy móc cũ cho biết ở các nước tân tiến khác, họ cũng không có quy định ngặt nghèo như vậy. “Họ chỉ yêu cầu xuất trình được giấy chứng nhận về đảm bảo môi trường và hiệu quả sử dụng, còn lại là tự các doanh nghiệp giao dịch với nhau. 10 năm qua, chúng tôi chỉ có 50 khách hàng có nhu cầu mua máy móc mới, hơn 1.000 khách hàng mua máy cũ, trong đó khách hàng sử dụng máy có tuổi thọ từ 15 – 25 năm chiếm hơn 90%”, vị đại diện này nói.

Ông Trịnh Xuân Kỳ từ Công ty Thang máy Thiên Nam cho biết công ty từng mua máy mới của Trung Quốc về sử dụng, nhưng chỉ 2-3 năm, số máy móc này bị hư hỏng gần hết và sau đó, công ty nhập lại máy móc cũ của Nhật về để sản xuất. “Dòng đời máy cơ khí khác dòng đời máy tính, đồ của Nhật Bản hay Đức dùng 20-30 năm vẫn tốt”, ông Kỳ nói.

Một số doanh nghiệp gay gắt rằng Thông tư 23 này chỉ làm lợi cho hàng Trung Quốc vì mua đồ mới thì chỉ đủ tiền mua đồ Trung Quốc. Song ông Đỗ Quốc Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ - chủ trì hội nghị - cho rằng điều này không đúng vì Thông tư 23 cũng quy định rõ: Máy móc cũ nhập khẩu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Thông tư 23 được ban hành ngày 13-11-2015 gồm 4 chương, 16 điều dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2016. So với các thông tư cùng chủ đề được ban hành trước đó thì Thông tư 23 có nới rộng thêm một số điều khoản, như quy định chỉ được nhập máy móc có tuổi thọ dưới 10 năm thay vì 5 năm như trong Thông tư 20. Theo ông Nam, Thông tư 23 là chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến nước ta thành một bãi rác thải công nghệ trên thế giới.

Thời gian qua, Bộ KHCN đã làm việc với nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau để lấy ý kiến đóng góp cho Thông tư 23 nhưng chưa gặp được sự đồng thuận từ phía các doanh nghiệp. Thông tư 23 vẫn chưa có hiệu lực nên Bộ KHCN tiếp tục tiếp thu các ý kiến đề xuất.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cấm nhập máy cũ sẽ làm hại doanh nghiệp nhỏ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO