Mô hình mới

Cầm bằng thạc sĩ loại giỏi, nông dân tỉnh Vĩnh Long mới tạo nên thương hiệu nổi tiếng từ thứ "quà quê", thu nhập vượt 1 tỷ đồng mỗi năm

Ngọc Linh 02/07/2025 19:00

Người nông dân trẻ tỉnh Vĩnh Long đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp, đã xây dựng nên thương hiệu nổi tiếng, mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ.

Quyết định trở về khởi nghiệp từ hạt lúa

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành luật kinh tế loại giỏi, anh Thuần từng có nhiều cơ hội làm việc tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, xuất thân từ một gia đình thuần nông, anh chọn quay về quê hương để tìm cách hỗ trợ bà con phát triển sản xuất nông nghiệp. Anh cho biết, trong quá trình học tập, anh nhận thấy tiềm năng lớn về sản xuất lúa tại địa phương nhưng đa phần nông dân vẫn canh tác nhỏ lẻ, chưa có mô hình hợp tác đủ mạnh để giải quyết các vấn đề về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.

Anh Trầm Minh Thuần cùng nông dân trong hợp tác xã trên cánh đồng mô hình lúa kết hợp tôm (1)
Anh Trầm Minh Thuần cùng nông dân trong hợp tác xã trên cánh đồng mô hình lúa kết hợp tôm

Sau thời gian khảo sát thực tế, tháng 7/2018, anh Thuần thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Hiệp, ban đầu có 61 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích hơn 50 ha. Mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi tôm càng xanh nhằm đa dạng nguồn thu nhập và tận dụng tài nguyên đất, nước.

Quá trình thuyết phục nông dân tham gia HTX gặp không ít khó khăn. Nhiều người nghi ngại vì anh còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều và lo ngại rủi ro khi liên kết sản xuất. Anh Thuần đã phải đưa ra các cam kết cụ thể như hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Nhờ đó, bà con dần tin tưởng tham gia mô hình.

Mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu gạo sạch

Từ 61 thành viên ban đầu, đến nay HTX Long Hiệp đã có 72 thành viên, diện tích sản xuất mở rộng lên 220 ha. Các giống lúa chủ lực được gieo sạ gồm ST25, OM18, OM5451. Vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6 đến 7,5 tấn/ha, cao hơn các năm trước.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gạo sạch ngày càng lớn, anh Thuần quyết định xây dựng thương hiệu riêng cho HTX. Sau khi thu mua lúa từ xã viên, anh thuê xay xát, đóng gói và đăng ký nhãn hiệu gạo “Hạt Ngọc Rồng”. Sản phẩm được kiểm định chất lượng, đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Anh chia sẻ, HTX đặt mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị khép kín để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng.

ruộng lúa Vĩnh Long
Thương hiệu gạo "Hạt Ngọc Rồng" nổi tiếng khắp khu vực nhờ chất lượng cao

HTX cũng áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hướng đến hữu cơ. Ban quản trị xây dựng quy định canh tác hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật để vừa đảm bảo chất lượng gạo, vừa duy trì môi trường sống cho tôm càng xanh. Nhờ đó, mô hình sản xuất kép đã mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường.

Định hướng mở rộng quy mô và ứng dụng công nghệ

Theo anh Thuần, năm 2023 HTX Long Hiệp đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỉ đồng, đến năm 2024 tăng lên 1,4 tỉ đồng. Thành quả này là kết quả của quá trình tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Để nâng cao hiệu quả canh tác, HTX dự kiến đầu tư máy bay không người lái (drone) phục vụ phun thuốc, bón phân nhằm tiết kiệm chi phí nhân công và bảo đảm đồng đều lượng vật tư trên diện tích lớn. Giai đoạn 2025–2030, HTX đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 100 ha diện tích trồng lúa, tăng sản lượng bao tiêu và hướng đến xuất khẩu gạo sạch.

Anh Thuần chia sẻ, mục tiêu lớn nhất là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân địa phương và tạo ra sản phẩm gạo có thương hiệu riêng trên thị trường. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ trong sản xuất cũng sẽ góp phần hiện đại hóa phương thức canh tác, thu hút người trẻ tham gia nông nghiệp.

Những nỗ lực của anh Thuần và HTX Long Hiệp được ghi nhận qua nhiều danh hiệu. Năm 2020, anh được trao Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức. Năm 2021, anh đạt danh hiệu TOP 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Gần đây, anh là nông dân trẻ nhất trong 63 nông dân được tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Dù chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, mô hình của anh Thuần cho thấy hướng đi tiềm năng cho nông dân trẻ: kết hợp kiến thức chuyên môn, sự am hiểu địa phương và công nghệ để xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.

Ngày 1/7, tỉnh Vĩnh Long (mới) đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long, với trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long. Sau khi sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên là 6.296,2km2, quy mô dân số 4,2 triệu người; giáp thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và Biển Đông.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Cầm bằng thạc sĩ loại giỏi, nông dân tỉnh Vĩnh Long mới tạo nên thương hiệu nổi tiếng từ thứ "quà quê", thu nhập vượt 1 tỷ đồng mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO