Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa

Cập nhật: 00:00 | 12/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Hơn 160 dự án chậm tiến độ vi phạm luật đất đai trên địa bàn đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa vào chiều 12/7...

Dự án Lam Sơn Square (Thanh Hóa): Huyện Thọ Xuân sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm và sớm có công văn cảnh báo người dân

Thanh Hóa đề xuất mở rộng cảng hàng không Thọ Xuân

Những con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa

Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa
Thực trạng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường trong cuộc họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa

Chiều 12/7, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, gây lãng phí cũng như nguyên nhân từ đâu đã làm “nóng” nghị trường.

Trước khi bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông tin tổng quát về tình trạng các dự án chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo ông Lê Đức Giang, từ năm 2014 (khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.617 DA được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 7.863,82 ha.

Trong 1.617 DA, đến nay đã có 1.102 DA (khoảng 68,15 %) đã hoàn thành đầu tư, bảo đảm tiến độ, đưa đất vào sử dụng; 208 DA (chiếm 12,86 %) đang thực hiện đầu tư bảo đảm tiến độ; 247 DA (chiếm 15,28 %) đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng; 60 DA thuê đất (chiếm 3,71 %) đầu tư chậm tiến độ và đã quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 điều 64 luật Đất đai 2013.

Những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt DA, trong đó phát hiện 164 dự án chậm tiến độ, đã quá 24 tháng (60 DA phát sinh từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực như nêu trên). Trong 164 DA chậm tiến độ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi đất 21 DA, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ 88 DA.

Tại phần chất vấn, Đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á phát biểu ý kiến: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số dự án chậm tiến độ, tuy nhiên nguyên nhân được xác định không phải lỗi của nhà đầu tư mà là do công tác GPMB của nhà nước. Khi xảy ra tình trạng trì trệ trên, chậm giao mặt bằng sạch khiến cho nhiều nhà đầu tư bị thu hồi oan, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho nhà đầu tư”.

Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Cao Tiến Đoan phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Phản hồi ý kiến của Đại biểu Cao Tiến Đoan trong phần chất vấn, ông Mai Nhữ Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực tế có những dự án gặp khó khăn trong GPMB, nhưng dự án do GPMB chậm mà thu hồi thì không có,

“Chưa có dự án nào bị thu hồi oan, các dự án trước khi thu hồi, chúng ta đã thực hiện các quy trình thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, đủ các hồ sơ, điều kiện thì mới tham mưu thu hồi được. Nếu có dự án nào đó bị thu hồi do liên quan đến chậm GPMB tôi chưa nắm hết thì đề nghị anh Đoan cung cấp lại thông tin, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo giải trình”, ông Thắng phát biểu.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của ông Mai Nhữ Thắng, đại biểu Cao Tiến Đoan tiếp tục chất vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng do lỗi của Hội đồng GPMB chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp thì có oan không? Nếu cứ thu hồi thì có xử lý cán bộ nhà nước tham gia GPMB không?”.

Trả lời câu hỏi của ông Đoan, ông Lê Đức Giang dẫn phát biểu của ông Mai Nhữ Thắng và cho rằng, đến nay chưa có dự án nào thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà chậm GPMB đến mức phải thu hồi. Theo ông Giang, nếu dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì UBND tỉnh có trách nhiệm, chỉ đạo rất nghiêm, cam kết xử lý, kể cả cưỡng chế. Còn nếu là dự án doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với dân thì doanh nghiệp có trách nhiệm, chính quyền tỉnh cũng sẽ có chỉ đạo hỗ trợ.

Cũng trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Nguyên nhân các DA chậm tiến độ là do công tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư yếu kém. Nguyên nhân nữa là do nhà đầu tư yếu về tài chính và cá biệt có nhà đầu tư chuyển nhượng dự án để kiếm lời”.

Kiều Vượng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm