Các doanh nghiệp xuất khẩu "hạt ngọc trời", tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân bất ngờ gặp khó quý đầu năm
Giá trị xuất khẩu giảm sâu, hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ, nhóm ngành vốn được xem là ổn định bất ngờ rơi vào giai đoạn chông chênh nhất trong nhiều năm qua.
Quý I/2025 chứng kiến một cú “đạp ga lùi” của ngành lúa gạo niêm yết, khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành đều rơi vào tình trạng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Không ít cái tên lớn thậm chí còn ghi nhận thua lỗ, dù giá trị xuất khẩu gạo cả nước vẫn tăng về sản lượng.

Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,31 triệu tấn gạo, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá trị thu về lại chỉ đạt 1,21 tỷ USD, giảm mạnh tới 15,5%. Nguyên nhân chính đến từ giá xuất khẩu bình quân rơi xuống chỉ còn 522 USD/tấn – mức thấp chưa từng thấy trong nhiều quý gần đây, tương đương mức giảm tới hơn 20%.
Áp lực giảm giá bắt nguồn từ thị trường quốc tế, khi Ấn Độ – quốc gia từng giới hạn xuất khẩu – quay lại cuộc chơi với lượng dự trữ kỷ lục, khiến nguồn cung toàn cầu tăng vọt. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ gặp khó về giá, mà còn phải cạnh tranh khốc liệt về thị phần với các đối thủ trong khu vực.
Những áp lực nà nhanh chóng phản ánh vào kết quả kinh doanh. Ghi nhận từ 10 doanh nghiệp gạo niêm yết cho thấy doanh thu quý I chỉ đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 23%, còn chưa đến 47 tỷ đồng. Phân hóa sâu sắc diễn ra: 4 doanh nghiệp thua lỗ, 3 giảm lãi, chỉ còn 3 đơn vị giữ được đà tăng trưởng.
Trong nhóm thua lỗ, Angimex (AGM) tiếp tục là tâm điểm buồn. Sau nhiều lùm xùm liên quan Louis Holdings, công ty này ghi nhận doanh thu chỉ hơn 20 tỷ đồng – mức thấp lịch sử. Lỗ ròng gần 19 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Lỗ lũy kế đã lên tới 482 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ.
Trung An (TAR) cũng không sáng sủa hơn. Doanh thu chỉ đạt 327 tỷ đồng, giảm tới 63%. Biên lãi gộp teo tóp còn 1% do giá vốn ăn mòn gần hết doanh thu, khiến công ty lỗ ròng 18 tỷ đồng – quý thứ 4 liên tiếp không có lãi.
Hai “lão làng” khác là Vinafood II (VSF) và Foodcosa (FCS) cũng rơi vào cảnh tương tự. Vinafood II báo lỗ 5,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 2.800 tỷ đồng – hệ quả để lại sau nhiều sai phạm giai đoạn hậu cổ phần hóa. Trong khi đó, Foodcosa lỗ hơn 1 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt 195 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn chưa đầy 60 tỷ.
Tuy nhiên trong “bức tranh xám” ấy vẫn còn những điểm sáng. Vinaseed (NSC) ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên 368 tỷ đồng, lãi ròng đạt 37 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Kigimex (KGM) cũng vượt sóng thành công, lãi ròng tăng 15% đạt 3,7 tỷ đồng, dù doanh thu giảm nhẹ.
Nhìn tổng thể, quý I/2025 là giai đoạn phân hóa dữ dội trong ngành lúa gạo. Giá xuất khẩu giảm sâu đã trở thành “cơn thủy triều rút”, phơi bày sức chống chịu của từng doanh nghiệp. Những ai vốn yếu về tài chính, không cải tiến mô hình hoặc thiếu chiến lược dài hạn đang chật vật giữ vị thế. Trong khi đó, những doanh nghiệp biết tối ưu chi phí, đa dạng hóa sản phẩm hoặc có chuỗi giá trị mạnh vẫn giữ được tăng trưởng, dù khá "mong manh".