Các doanh nghiệp phân phối ô tô tại Việt Nam làm ăn ra sao trong quý I/2022?

Cập nhật: 09:18 | 12/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong quý đầu năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp phân phối xe ô tô tại thị trường Việt Nam có sự tăng trưởng song lợi nhuận lại có sự phân hóa khi nhiều đơn vị báo lãi giảm do cung không đủ cầu.

Trái chiều kết quả kinh doanh quý I/2022 các doanh nghiệp ngành hàng không

Ngân hàng nào trích lập dự phòng rủi ro nhiều nhất quý I/2022?

Loạt doanh nghiệp bán lẻ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý I/2022

0944-haxaco-1
Các doanh nghiệp phân phối ô tô tại Việt Nam làm ăn ra sao trong quý I/2022?

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp phân phối ô tô đi lùi

Quý I/2022, hầu hết các doanh nghiệp phân phối ô tô ghi nhận doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại có sự phân hóa khác nhau.

Doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – Mã: VEA). Quý đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.139 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lãi sau thuế lại cao hơn doanh thu, đạt 1.479 tỷ đồng, tăng 2%. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ nhóm công ty liên doanh, liên kết là Honda, Toyota, Ford. Khoản lãi này là 1.321 tỷ đồng quý vừa rồi.

Năm 2022, SSI Research ước tính lợi nhuận công ty liên doanh của VEAM (Honda, Toyota, Ford) tăng 13%. Đặc biệt, việc VinFast dừng sản xuất xe xăng có thể thúc đẩy đáng kể nhu cầu xe Honda, Toyota và Ford. Biên lợi nhuận mỗi xe đã bán ra có thể tăng lên khi cạnh tranh thị trường giảm, và việc thiếu cung xe do thiếu hụt chip có thể là động lực chính giúp các liên doanh ô tô của VEAM đạt lợi nhuận cao hơn trong xu hướng ngắn hạn này.

CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã: SVC) và CTCP Ô tô TMT (Mã: TMT) ghi nhận cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng sản lượng bán xe. Tuy nhiên, Savico cho biết lượng cung xe vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hy vọng nửa cuối năm 2022, lượng cung xe sẽ phục hồi trở lại.

Nhìn lại năm 2021, Savico sở hữu 48 showroom trải dài từ Bắc vào Nam, phân phối chủ yếu các dòng xe như Toyota, Ford, Huyndai, Mitsubishi, Volvo,... với 7,57% thị phần toàn thị trường.

0512-o-to-1
Nguồn: BCTC quý I/2022 của các doanh nghiệp - Đv: tỷ đồng

Còn CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco – Mã: HAX) và CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (Mã: HTL) có doanh thu tăng tương ứng là 15,7% và 21,4% song lợi nhuận lại giảm lần lượt 2,3% và 41,7%. Biên lợi nhuận gộp của Haxaco - đại lý ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại Việt Nam, thu hẹp từ 7,7% cùng kỳ xuống còn 6,3% trong quý I.

Công ty Trường Long cho biết là do tỷ trọng bán xe chuyên dụng và xe đặc thù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái dẫn đến lợi nhuận gộp giảm và do tiền thưởng của nhà phân phối Hino được thanh toán vào quý II thay vì quý I.

CTCP City Auto (Mã: CTF) - đơn vị ủy quyền chính thức của Ford Việt Nam, ghi nhận giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, tỷ lệ giảm tương ứng là 15% và 9% do thiếu hụt lượng xe Ford từ nhà máy.

Đối với các công ty phân phối ô tô chưa niêm yết, doanh số cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Thaco Trường Hải cũng ghi nhận doanh số bán xe tăng đột biến khi mới hết tháng 2/2022, doanh số bán xe đạt 10.827 xe, đứng đầu thị phần với 51,4% và tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý I/2022, TC Group (Tập đoàn Thành Công) cho biết tổng số xe Hyundai bán ra trên thị trường đạt 18.670 xe, tăng 17,5% so với con số 15.886 xe bán ra của cùng kỳ quý I/2021.

SSI Research cho rằng nhu cầu mua xe sẽ chưa thực sự mạnh trong nửa đầu năm do khả năng dịch bệnh gia tăng vì biến thể mới Omicron. Sau khi dần mở cửa trở lại trong nửa cuối 2022, doanh số bán xe trong ngành sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn, cộng với mức nền so sánh thấp trong qúy III/2021 sẽ là động lực ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.

Nhu cầu ô tô trong năm 2022 được dự báo tăng 16%

Lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng cao trong tháng đầu năm 2022 do đã có nhiều chính sách kích cầu như giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, kéo dài đến hết tháng 5/2022. Chính sách này không chỉ tăng nhu cầu mua xe của người dân mà còn khiến một số thương hiệu ô tô nhập khẩu phải hạ giá bán hoặc tăng khuyến mại nhằm cạnh tranh.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến hết tháng 3/2022, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 90.506 xe, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dự báo cảu SSI Research, nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% trong năm 2022. SSI cho rằng với mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103 có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của VinFast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.

Theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu ước tính sẽ giảm trung bình 4% trong năm 2022, do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn đến cho đến nửa cuối năm 2022.

Nhiều công ty ô tô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và việc này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ô tô trong 2022. Cả nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này và lợi nhuận các doanh nghiệp này có thể tăng trưởng mạnh.

Hơn thế nữa, việc dừng sản xuất xe xăng của VinFast - doanh nghiệp chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, để tập trung vào xe điện sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.

Thuận Thảo