Hàng hóa - Giá cả

Cà phê Việt lập kỷ lục giá xuất khẩu, hướng tới mốc 8 tỷ USD năm 2025

Đình Tiến 31/03/2025 16:02

Dù sản lượng giảm, giá trị cà phê Việt vẫn tăng mạnh nhờ giá cao, mở ra triển vọng vượt 6 tỷ USD và có thể chạm mốc 8 tỷ USD trong năm 2025.

Giá tăng 73% giúp "vàng nâu" bứt phá

cà phê việt nam
Đức đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm, tiếp theo là Italy, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2025, cả nước đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,28 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng giảm 18% nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng tới 41%. Nguyên nhân là do giá cà phê bình quân trong quý 1 năm nay đã tăng mạnh, đạt mức 5.614 USD/tấn – cao hơn 73% so với cùng kỳ năm 2024.

Đây là mức giá xuất khẩu cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Nếu duy trì được trong các quý tiếp theo, kim ngạch cà phê cả năm hoàn toàn có khả năng đạt mốc kỷ lục 8 tỷ USD – con số chưa từng có tiền lệ đối với mặt hàng nông sản chủ lực này.

Hiện Đức đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm, tiếp theo là Italy, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng cà phê rang xay, chế biến sâu tại các nước phát triển đang mở ra dư địa lớn cho xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng cao từ Việt Nam.

Hướng đến xuất khẩu bền vững và nâng tầm thương hiệu


Phát biểu về kết quả khả quan của ngành cà phê trong đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, với đà tăng trưởng hiện nay, việc vượt mốc 6 tỷ USD trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Ông nhấn mạnh: “Giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của ngành. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ chế biến, mở rộng thị trường và ứng phó linh hoạt với biến động toàn cầu”.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp cùng Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và các doanh nghiệp lớn để xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành. Mục tiêu không chỉ là tăng trưởng sản lượng hay kim ngạch, mà còn hướng đến phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong đó, việc chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ – những nơi đang ngày càng chú trọng đến yếu tố phát triển xanh và minh bạch trong chuỗi cung ứng.

"Vàng nâu" – niềm tự hào của nông nghiệp Việt

Năm 2025 khởi đầu với những con số đầy ấn tượng, không chỉ về giá mà còn về kỳ vọng thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất, xuất khẩu cà phê. Với giá trị xuất khẩu 1,08 tỷ USD chỉ trong tháng 2, ngành cà phê đang khẳng định vị thế là một trong những trụ cột của nông nghiệp Việt Nam.

Không dừng lại ở lợi ích kinh tế, cà phê Việt Nam còn là biểu tượng văn hóa, là sản phẩm gắn với bản sắc và niềm tự hào quốc gia. Sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân đang tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngành hàng này vươn xa, biến thách thức toàn cầu thành cơ hội tăng trưởng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế và yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu, việc ngành cà phê giữ vững đà tăng trưởng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sẽ là yếu tố quyết định thành công trong tương lai gần.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cà phê Việt lập kỷ lục giá xuất khẩu, hướng tới mốc 8 tỷ USD năm 2025
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO