“Cá mập” Nguyễn Văn Nghĩa chốt lời hàng triệu cổ phiếu TCM sau khi thị giá lập đỉnh

Cập nhật: 10:16 | 12/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Nghĩa đăng ký bán bớt cổ phiếu TCM kể từ khi công bố trở thành cổ đông lớn hồi tháng 9/2020.

Trong thông báo mới nhất, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Uỷ viên HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đăng ký bán ra 7 triệu cổ phiếu TCM. Nếu thành công, ông Nghĩa sẽ hạ sở hữu tại Dệt may Thành Công xuống còn gần 10,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10%). Giao dịch dự kiến diễn ra từ 16/7 đến 14/8/2024.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TCM tăng mạnh từ đầu tháng 2/2024 đến nay, theo đó, từ vùng giá 36.300 đồng/cp, thị giá TCM đã tăng 45%. Đóng cửa phiên 11/7, giá cổ phiếu TCM đứng tại mức 53.700 đồng/cp, đây là vùng đỉnh của cổ phiếu trong 3 năm qua. Tạm tính theo mức giá này, ước tính trị giá lô cổ phiếu trên khoảng 376 tỉ đồng.

“Cá mập” Nguyễn Văn Nghĩa chốt lời hàng triệu cổ phiếu TCM sau khi thị giá lập đỉnh

Đáng nói, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Nghĩa đăng ký bán bớt cổ phiếu TCM kể từ khi công bố trở thành cổ đông lớn.

Đối với khoản đầu tư vào Dệt may Thành Công, “cá mập” Nguyễn Văn Nghĩa báo cáo trở thành cổ đông lớn vào cuối tháng 9/2020, với tỷ lệ sở hữu hơn 6,28% vốn điều (tương ứng với 3,89 triệu cổ phiếu). Đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu TCM bắt đầu tăng ngoạn mục, từ vùng 14.000 đồng/cp lên đỉnh lịch sử 71.900 đồng/cp (giá điều chỉnh) vào giữa tháng 4/2021, tức hơn gấp 5 lần trong hơn nửa năm.

Từ thời điểm đó tới nay, ông Nghĩa đã sở hữu thêm khoảng 13 triệu cổ phiếu TCM thông qua đăng ký mua thêm và nhận cổ phiếu thưởng, nâng tổng lượng cổ phần đang nắm lên tỷ lệ 16,88% vốn, tương ứng với hơn 17 triệu cổ phiếu. Ông Nghĩa từng chia sẻ việc đầu tư vào Dệt may Thành Công mang tính dài hạn và diễn ra sau khi được nghe chia sẻ về chiến lược cũng như tham quan các nhà máy của công ty. Ước tính số tiền ông Nghĩa chi ra để sở hữu lượng cổ phiếu TCM vào thời điểm đó là khoảng 350 tỷ đồng. Trong khi đó, tính theo thị giá hiện tại, giá trị vào khoảng 923 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1963, từng là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Prime Group - doanh nghiệp sản xuất gạch men hàng đầu của Việt Nam khoảng 10 năm trước, nắm giữ thị phần gạch lớn nhất nước ta khi đó. Sau khi Prime Group được tập đoàn SCG (Thái Lan) thâu tóm, ông Nghĩa tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng, giữ chức Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Gạch men Tasa, Thành viên HĐQT Lizen (từ tháng 6/2020) và Chủ tịch HĐQT Cơ khí Xây dựng Amecc. Đồng thời, ông Nghĩa còn là Chủ tịch HĐTV Thương mại Xây dựng Vận tải Thanh Long (từ 2016-nay).

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Nghĩa còn được biết tới là một nhà đầu tư cá nhân có tiếng trên thị trường. Theo thống kê, hiện ông Nguyễn Văn Nghĩa còn nắm một số cổ phiếu như LCG của Công ty CP Lizen, TIG của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, AMS của Công ty CP Cơ khí xây dựng AMECC, tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 19/6, Dệt may Thành Công đã phê duyệt quyết định việc chấm dứt hoạt động của Xưởng may Trảng Bàng và thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư, đăng ký doanh nghiệp có liên quan. Trước đó, doanh nghiệp đã thông qua việc tạm ngưng hoạt động xưởng may trong 12 tháng từ ngày 15/4.

Dệt may Thành Công chấm dứt hoạt động Xưởng may Trảng Bàng (Nguồn: HoSE)
Dệt may Thành Công chấm dứt hoạt động Xưởng may Trảng Bàng (Nguồn: HoSE)

Theo tìm hiểu, Xưởng may Trảng Bàng được Dệt may Thành Công đưa vào hoạt động vào tháng 10/2018 với 650 công nhân và 17 dây chuyền sản xuất. Sang năm 2019, nhà máy được mở rộng sản xuất lên 27 chuyền, khoảng 1.050 lao động với công suất khoảng 5 triệu sản phẩm/năm.

Công ty có động thái chấm dứt hoạt đông nhà máy may này trong bối cảnh Dệt may Thành Công lên kế hoạch mua nhà máy SY Vina và đã lên chủ trương bán nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 3, 4 và nhà máy Trảng Bàng.

Về hoạt động kinh doanh, TCM đang ghi nhận đà hồi phục tích cực. Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ ước đạt 1.554 tỷ đồng và lãi sau thuế 114 tỷ đồng, lần lượt tăng 112% và 110% so với cùng kỳ; thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận năm. Công ty cho biết đã hoàn thành khoảng 85% đơn hàng quý 2/2024 và 80% đơn hàng quý 3/2024.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research tin rằng, doanh thu của Dệt may Thành Công sẽ tăng trưởng 27% lên 905 tỷ đồng khi sản lượng tiêu thụ phục hồi tốt và lãi ròng gấp 30 lần cùng kỳ đạt 69 tỷ đồng trong quý 2/2024. Lợi nhuận trước thuế tăng 450% do công ty phải trả thuế thu nhập cao bất thường hồi trong quý 2/2024.

Một cổ phiếu dệt may "tím lịm" sau tin lãi triệu đô

Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 51,7 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt ...

Triển vọng cổ phiếu TCM: Phản ánh "bộ mặt" của ngành dệt may

Chứng khoán DSC vừa có báo cáo phân tích về triển vọng của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành ...

Đức Anh

Tin liên quan