Buồn của Viettel Global: Nợ xấu leo cao, cổ phiếu VGI bị kiểm soát

Cập nhật: 15:07 | 28/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Do bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ tại báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp, cổ phiếu VGI của Viettel Global đã bị đưa vào diện kiểm soát. Trong khi đó, năm 2022, công ty ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 14.164 tỷ đồng, tăng 117,4% so với năm 2021.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đưa cổ phiếu VGI của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vào diện kiểm soát từ ngày 10/4 do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến loại trừ tại báo cáo tài chính (BCTC) 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022).

Cụ thể, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc không hợp nhất số liệu tài chính của Công ty Viettel Cameroun S.A (VCR) trên báo cáo tài chính hợp nhất và trình bày khoản đầu tư vào VCR trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Và ý kiến ngoại trừ đối với việc trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay, phải thu ngắn hạn khác với VCR (tại ngày 31/12/2022 có tổng số dư các khoản phải thu là 8.437 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng với số tiền 6.772 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân của các ý kiến ngoại trừ này, Viettel Global cho biết, do có bất đồng giữa cổ đông VGI và cổ đông sở tại về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh công ty VCR, nên VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2022.

Cổ phiếu VGI của Viettel Global bị đưa vào diện kiểm soát từ 10/4.
Cổ phiếu VGI của Viettel Global bị đưa vào diện kiểm soát từ 10/4.

Cũng theo Viettel Global, công ty đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều 10 Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất chuyển khoản đầu tư vào công ty VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng.

Ngoài ra, do công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính, cũng như các bằng chứng kiểm toán thích hợp có liên quan nên kiểm toán viên chưa có đủ cơ sở đánh giá VGI có thể thu hồi tất cả các khoản nợ phải thu đối với VCR do đó kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ như trên.

Đối với phương án khắc phục, hiện tại Viettel Global đang tích cực giải quyết triệt để các bất đồng với đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, do đây là tranh chấp quốc tế, các thủ tục phá lý cần thận trọng nên khó giải quyết trong ngắn hạn. Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp để giải quyết, thận trọng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây không phải lần đầu tiên Viettel Global bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm. Trước đó, trong báo cáo hợp nhất bán niên 2017, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến liên quan đến việc dự phòng phải thu khó đòi 319 tỷ đồng liên quan đến Công ty TNHH Viễn thông Star (công ty liên kết của Viettel Global) và giá trị hợp lý tài sản góp vốn tại NATCOM.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Viettel Global ghi nhận 23.738 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với 2021; lợi nhuận sau thuế là 1.549 tỷ, gấp 4,4 lần cùng kỳ. Dù lãi lớn trong năm 2022 song tính tới hết năm, Viettel Global vẫn còn lỗ luỹ kế 3.904 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán của Viettel Global, công ty ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 14.164 tỷ đồng, tăng 117,4% so với đầu năm 2022, chiếm hơn 67% tổng nợ phải trả của công ty (21.085 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2022, Viettel Global đã dự phòng 9.396 tỷ đồng, trong khi đầu năm, giá trị dự phòng ở mức 5.364 tỷ đồng.

Các khoản nợ xấu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L, Công ty TNHH Telecom International Myanmar. Trong đó, Công ty TNHH Telecom International Myanmar đang là công ty liên kết do Viettel Global nắm 49%, chuyên đầu tư mạng viễn thông ở thị trường Myanmar.

Năm 2023, Viettel Global đặt kế hoạch tổng doanh thu là 28.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế duy trì đạt dương đến tương đương năm 2022. Thuê bao viễn thông lên kế hoạch tăng trưởng thêm 2 triệu thuê bao và thuê bao số tăng trưởng thêm 6 triệu thuê bao.

Về kế hoạch cho giai đoạn 2023 - 2028, Viettel Global đặt mục tiêu doanh thu năm 2028 đạt khoảng 33.000 – 37.000 tỷ đồng (tương ứng trung bình tăng trưởng 3-5%/năm), lợi nhuận trước thuế duy trì mức tăng trưởng tương đương doanh thu. Thuê bao viễn thông tăng trưởng 1-2 triệu thuê bao/năm và thuê bao số tăng trưởng tối thiểu 10-15%/năm.

Viettel Global (VGI) dự kiến lợi nhuận đi ngang, không chia cổ tức năm 2021

Ngày 17/6, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã CK: VGI) vừa tiến hành tổ chức họp ĐHĐCĐ thường ...

Viettel Global (VGI): Doanh thu và lãi gộp đạt kỷ lục trong quý II/2022

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã: VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 ...

Sau soát xét, Viettel Global (VGI) báo doanh thu gần nửa tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022

Tổng Công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, mã: VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ ...

Quang Đăng

Tin cũ hơn
Xem thêm