Bước tiến trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện Alibaba: Công bố dàn lãnh đạo mới, hầu hết là 'khai quốc công thần' và thân tín của tỷ phú Jack Ma

Cập nhật: 15:33 | 23/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo South China Morning Post, Alibaba vừa chọn ra đội ngũ nhân sự cấp cao đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt khắt khe để phụ trách công việc lãnh đạo tại các đơn vị kinh doanh độc lập của mình. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện của Alibaba.

Bước tiến trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện Alibaba: Công bố dàn lãnh đạo mới, hầu hết là 'khai quốc công thần' và thân tín của tỷ phú Jack Ma
Ông Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba.

Tuy nhiên, đáng nói là những người ưu tú trên đều có mối quan hệ mật thiết với nhà sáng lập Alibaba - tỷ phú Jack Ma.

Cụ thể, vừa qua “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Trung Quốc đã có một bước tiến mới trong đợt tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của mình, South China Morning Post đưa tin.

Theo đó, Alibaba đã công bố những cái tên sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo tại các đơn vị kinh doanh độc lập mới phân tách. Kế hoạch chia tách của Alibaba được xây dựng cách đây ít lâu, dự kiến được phân chia thành 6 công ty con phụ trách những lĩnh vực nòng cốt, bao gồm: Cloud Intelligence Group (phụ trách điện toán đám mây), Taobao Tmall Commerce Group (thương mại điện tử trong nước), Local Services Group (dịch vụ giao đồ ăn và bản đồ số), Cainiao Smart Logistics (dịch vụ logistics), Global Digital Commerce Group (thương mại điện tử quốc tế) và Digital Media and Entertainment Group (dịch vụ truyền thông kỹ thuật số và giải trí).

Mỗi đơn vị kinh doanh trên sẽ được dẫn dắt bởi một ban lãnh đạo riêng biệt với quyền tự chủ cao hơn, có thể độc lập gọi vốn và có kế hoạch niêm yết công khai cho riêng mình. Sau khi Alibaba công bố dàn lãnh đạo mới, giới quan sát nhận thấy phần lớn những cái tên được nhắc tới đều là thân tín của tỷ phú Jack Ma.

Lấy ví dụ, đối với trường hợp của Cloud Intelligence Group - đơn vị quản lý các hoạt động trí tuệ nhân tạo và đám mây, sẽ do ông Daniel Zhang Yong - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba trực tiếp điều hành. Bên cạnh đó, cộng sự của Daniel Zhang Yong còn là ông Wang Jian - nhà sáng lập Alibaba Cloud, người vốn luôn được Jack Ma ca ngợi là “công thần” công nghệ góp phần tạo nên đế chế Alibaba.

Tương tự, ông Joe Tsai - Phó Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn thứ hai của Alibaba được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Cainiao Smart Logistics, đồng thời đảm nhận chức vụ Giám đốc tại Taobao Tmall Group, đơn vị duy nhất mà Alibaba duy trì sở hữu độc quyền.

Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT Taobao Tmall Group được giao cho Eddie Wu Yongming, người đã gắn bó với Jack Ma từ trước khi Alibaba chính thức thành lập vào năm 1999. Bên cạnh đó, ông Wu cũng sẽ kiêm nhiệm thêm các vị trí lãnh đạo tại Local Services Group và Global Digital Commerce Group.

Ngoài ra, Alibaba cũng thành lập một ủy ban quản lý vốn nhằm “nâng cao giá trị cho cổ đông”, do Daniel Zhang Yong làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch HĐQT Joe Tsai, Chủ tịch Alibaba J. Michael Evans và Cựu Giám đốc Tài chính Maggie Wu cũng là thành viên của ủy ban này.

Mặc dù Jack Ma đã bắt đầu tách mình ra khỏi ban lãnh đạo của Alibaba vào năm 2013 và sau đó từ chức Chủ tịch HĐQT vào năm 2019, nhưng sự xuất hiện của những cái tên trên khiến nhiều người tin rằng vị tỷ phú này “chưa bao giờ thực sự rời đi”.

Các nhà phân tích cho rằng việc tái cơ cấu sẽ giúp các đơn vị kinh doanh riêng lẻ hoạt động linh hoạt hơn, nhưng đồng thời cũng có thể khiến họ dễ bị tổn thương hơn.

Theo đánh giá của Fu Xuejun, người sáng lập Viện nghiên cứu Kandong, kế hoạch chia nhỏ sẽ tăng cường quyền ra quyết định độc lập và tính linh hoạt của các doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng cũng có thể làm suy yếu quyền kiểm soát chung của tập đoàn đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng.

Zhou Liling - một nhà phân tích tại Guolian Securities nhận định, các công ty con sẽ “làm cho các hoạt động kinh doanh khác nhau của Alibaba trở nên nhẹ nhàng và đơn giản... đồng thời mang lại sức sống mới cho công ty”.

Trong khi đó, Zhuang Shuai, người sáng lập công ty tư vấn thương mại điện tử Bailian, chỉ ra rằng, bất chấp việc tái cấu trúc, Alibaba sẽ tiếp tục dựa vào hai nền tảng thương mại điện tử lớn là Taobao và Tmall, vốn là “gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn này. Trong khi đó, áp lực tăng trưởng lợi nhuận đối với các doanh nghiệp khác sẽ tăng lên.

Hiện tại, Alibaba đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mới gia nhập ngành thương mại điện tử Trung Quốc, chẳng hạn như nền tảng video ngắn Kuaishou Technology hay Douyin của ByteDance, người anh em Trung Quốc của TikTok.

Mới đây, Alibaba cũng đã công bố kết quả kinh doanh và tiết lộ một loạt kế hoạch huy động vốn và niêm yết. Trong đó bao gồm cả việc tách mảng kinh doanh điện toán đám mây.

Cụ thể, Alibaba muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông trong 12 tháng tới, đồng thời biến mảng điện toán đám mây thành một công ty niêm yết độc lập. Alibaba cũng cho biết họ sẽ tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài cho hoạt động thương mại điện tử quốc tế của mình. Tập đoàn này đặt mục tiêu IPO công ty logistics Cainiao trong vòng 12 - 18 tháng và hoàn tất IPO cho chuỗi siêu thị Freshippo trong vòng 6 - 12 tháng tới.

Theo kết quả kinh doanh được công bố, kết thúc quý I/2023, doanh thu của Alibaba tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu trên nền tảng đám mây trong quý đã giảm 2% so với một năm trước. Mặc dù Alibaba cho rằng sự sụt giảm doanh thu là do ảnh hưởng từ sự gián đoạn mà Covid-19 gây ra và việc mất đi một khách hàng quan trọng, nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, đây là lần giảm doanh thu đầu tiên đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của Alibaba trong ít nhất 4 năm gần đây.

Zhang Zhouping, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu thương mại điện tử 100ec đánh giá hiệu suất của Alibaba Cloud trong quý này không lý tưởng: “Alibaba đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Microsoft và Google, cũng như các công ty điện toán đám mây trong nước như JD.com, Tencent Holdings, Huawei Technologies Co và Baidu.”

Một nhà phân tích khác, Chelsey Tam từ Morningstar nhận định về xu hướng hành vi của các nhà đầu tư: “Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số nhà đầu tư của Alibaba có thể sẽ giữ lại các cổ phiếu mảng điện toán đám mây có tính hứa hẹn hơn và giảm cổ phần của họ trong Tập đoàn Alibaba”.

Tỷ phú Jack Ma "giã từ" thương trường, chuyển hướng thành giảng viên đại học

Tỷ phú Jack Ma đã được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Tokyo College - tổ chức mới do Đại học Tokyo điều hành.

"Ông lớn" Alibaba đánh thức làn sóng IPO ngành công nghệ: Lộ diện kế hoạch tỷ USD tại Hồng Kông

Thương vụ này của được dự đoán sẽ củng cố hy vọng về sự hồi sinh của thị trường vốn tại trung tâm tài chính ...

Alibaba báo mức tăng doanh thu Q1/2023 thấp nhất kể từ 2015

Alibaba Group Holding Ltd (Trung Quốc) đã công bố tăng trưởng doanh thu Q1/2023 ở mức một chữ số, dấy lên lo ngại về đà ...

Hà Lê

Theo South China Morning Post

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm