“Bùng nổ” đề xuất các dự án BT tại TP.HCM
TP.HCM đón nhận “làn sóng” đề xuất dự án BT – tín hiệu tích cực cho thấy nguồn lực tư nhân đang được huy động mạnh mẽ vào đầu tư hạ tầng giao thông.
Hàng loạt đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đang trở lại mạnh mẽ tại TP.HCM. Các tập đoàn lớn như Sun Group, CII, Masterise, Trung Nam… đồng loạt nộp đề xuất cho nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn, tận dụng lợi thế từ cơ chế pháp lý mới được Quốc hội thông qua.

Sun Group, CII, Masterise đẩy mạnh đề xuất các dự án BT hạ tầng trọng điểm
Trong đề xuất gửi UBND TP.HCM mới đây, Tập đoàn Sun Group mong muốn được nghiên cứu tuyến đường ven sông Sài Gòn có quy mô từ 8–10 làn xe, kết hợp tuyến metro hoặc tramway dài khoảng 40km, đoạn chạy qua huyện Củ Chi (cũ). Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức BT mới, với phương án thanh toán bằng khu đất ven sông khoảng 4.100 ha.
Ngoài tuyến đường ven sông, Sun Group cũng thể hiện nguyện vọng đầu tư Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (187 ha) và Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (395 ha), thông qua hình thức BT, được thanh toán bằng quỹ đất tại Khu đô thị Trường Thọ (147 ha).
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng đề xuất đầu tư riêng các hạng mục nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và xây dựng 4 cây cầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo hình thức PPP, hợp đồng BT mới, thanh toán bằng quỹ đất hoặc tiền mặt. CII cam kết hoàn thành báo cáo khả thi trong 3 tháng và thi công 4 cầu trong 12 tháng; các hạng mục còn lại dự kiến hoàn thành sau 30 tháng.
Tập đoàn Masterise và Trung Nam Group cũng gia nhập làn sóng đầu tư với đề xuất thực hiện cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, đều theo hình thức BT. Đáng chú ý, cầu Thủ Thiêm 4 từng được nghiên cứu theo hình thức BOT, có vốn ngân sách chiếm gần 50%.
Luật 57/2024/QH15 tháo gỡ “điểm nghẽn” BT, mở đường thu hút vốn tư nhân cho hạ tầng TP.HCM
Theo đánh giá của giới chuyên gia, làn sóng đề xuất BT tại TP.HCM bùng nổ sau khi Luật số 57/2024/QH15 được Quốc hội thông qua, mang đến nhiều đột phá về cơ chế thanh toán và lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, Luật cho phép thanh toán BT bằng quỹ đất hoặc ngân sách nhà nước, giải quyết vướng mắc lớn từng khiến nhiều dự án bị “đóng băng”. Ngoài ra, quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng minh bạch hơn, thông qua đấu thầu công khai, với tiêu chí đánh giá cụ thể ngay từ giai đoạn lập dự án.
Cùng với đó, Luật 57/2024 còn phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng xuống UBND cấp tỉnh với 7 nhóm dự án, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian triển khai.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, việc cho phép BT trở lại là hướng đi đúng đắn nhằm huy động nguồn lực tư nhân phát triển hạ tầng, khi vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Việc sử dụng hợp đồng BT, nếu minh bạch, có thể tận dụng tốt tiềm lực tài chính – công nghệ – quản trị của khu vực tư nhân, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước khi sử dụng ngân sách thanh toán.
Với sự điều chỉnh chính sách rõ ràng, hợp lý, TP.HCM đang đứng trước cơ hội lớn để huy động hàng tỷ USD từ khu vực tư nhân cho các công trình hạ tầng chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và hiện đại hóa đô thị vùng lõi phía Nam.