"Bong bóng" chứng khoán - bất động sản đang to ra dưới tác động của lãi suất?

Cập nhật: 13:34 | 12/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Chính sách tiền tệ và tài khóa vốn đóng vai trò là chất xúc tác trong năm 2020 có thể trở nên thận trọng trong năm 2021. Điều này là do lãi suất quá thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất làm tăng bong bóng tài sản.

Chuyên gia và đại diện NHNN nói về lo ngại bong bóng chứng khoán và bất động sản khi mở rộng chính sách tiền tệ? - Ảnh 1.
TS. Cấn Văn Lực

Mới đây, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới".

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về rủi ro bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản do việc mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Quách Mạnh Hào, chính sách tiền tệ và tài khóa vốn đóng vai trò là chất xúc tác trong năm 2020 có thể trở nên thận trọng trong năm 2021. Điều này là do lãi suất quá thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất làm tăng bong bóng tài sản.

Hơn nữa việc nới lỏng chính sách tiền tệ không thực sự bao trùm toàn nền kinh tế mà chỉ giúp các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường và việc làm. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, điều này tiềm ần rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng trong các năm tiếp theo.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới và Việt Nam giảm tương đối mạnh, dòng tiền đang đổ nhanh vào các lĩnh vực khác trong đó có chứng khoán, Việt Nam phải thận trọng với xu hướng đó.

"Chúng tôi đã phân tích bong bóng rủi ro tài chính toàn cầu, hiện nay tổng nợ cả nhà nước và tư nhân toàn cầu tương đương khoảng 350% GDP toàn cầu. Đây là mức rất lớn, chưa từng có. Mức này tăng khoảng 40 - 45% trong vòng 2 năm qua vì lãi suất thấp", ông Lực cho biết.

Bài toán đặt ra cho Việt Nam là mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá chưa chắc tốt, nó phải đảm bảo hài hòa cho các bên, cả người gửi tiền, vay tiền và câu chuyện điều hành vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy bong bóng tài sản.

"Nhưng lãi suất không phải là điểm nghẽn bởi thực tế, tín dụng vẫn tăng 12 - 13%. Đây có lẽ là mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, dòng tiền tư nhân dịch chuyển qua chứng khoán cực kỳ mạnh mẽ với gần 40.000 tài khoản F0 được lập ra khi lãi suất có xu hướng giảm. Vì vậy, Việt Nam cần cân đối, tính toán hài hòa hơn", ông Lực nói thêm.

Chia sẻ về lo lắng của các chuyên gia, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều năm kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô và ổn định kinh tế vĩ mô là điểm sáng thời gian qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động sâu sắc do dịch COVID-19, các nước đồng loạt đưa ra các biện pháp hỗ trợ về cả tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các bộ ngành.

"NHNN luôn kiên định với các mục tiêu và linh hoat trong giải pháp. Theo đó, chúng tôi đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp các công cụ chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hà cho biết.

Đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngoài công tác điều hành chung, NHNN đã có rất nhiều quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động trong đó có quy định kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Và trong thời gian qua, NHNN đã liên tục đưa ra những cảnh báo cho các tổ chức tín dụng về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"NHNN có đủ công cụ để kiểm soát rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch", ông Hà nhấn mạnh.

Bàn về câu chuyện tăng trưởng GDP, theo ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành công lớn nhất của Việt Năm trong năm 2020 là tăng trưởng nhưng không hy sinh khi Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia giữ được mức tăng trưởng dương ( đạt 2,91% trong năm 2020).

Sang năm 2021, nền kinh tế của các nền kinh tế chính yếu được dự báo sẽ tăng trưởng dương, hồi phục nhất định, lấy lại những suy giảm của năm 2020. Kịch bản lạc quan này được dựa vào nền tảng Covid rồi sẽ qua đi, không phải giữa năm nay thì cũng cuối năm nay. Các nước giàu đã phân phối Vaccine COVID-19; các nước trung bình giữa năm cũng sẽ tiếp cận được với vaccine.

Đương nhiên kịch bản đó không thể tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra như phân phối vaccine không thể dễ dàng kể cả những nước giàu – có xáo trộn và chậm trễ; thay đổi chính trị trên toàn cầu, căng thẳng thương mại song phương đa phương không dễ dàng chấm dứt trong năm 2021 mà còn có thể căng hơn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán trong nước vẫn tăng trưởng tích cực do niềm tin về việc vaccine COVID-19.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5% nhưng IMF, WB còn lạc quan hơn khi WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 là 6,7%; các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8 – 7%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.

Năm 2020, mặc dù chúng ta duy trì được nền ổn định vĩ mô, nhưng đầu tư của doanh nghiệp (tư nhân và FDI) đều suy giảm; sức mua trên thị trường giảm. Liệu sức mua có hồi phục trong năm 2021 hay không? Xuất khẩu là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam 2020. Liệu chúng ta có đa dạng được thị trường trong năm 2021 hay không là một thách thức.

[Trực tiếp]: Kịch bản nào cho Kinh tế Việt Nam 2021? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
(Nguồn ảnh: Vneconomy)

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống Kê, yếu tố quan trọng nhất giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đó là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp thể hiện qua tăng trưởng kinh tế và kể cả tăng trưởng lớn của xuất khẩu cũng có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp

Qua khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tác động của COVID-19 cho thấy, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn để hợp tác vươn lên.

Yếu tố hai là đầu tư công của Chính phủ là giải pháp giúp cho tăng trưởng kinh tế. Vào tháng 2/2020, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về tăng trưởng trong Nghị quyết 01 nhưng rất khó hiệu quả vào thời điểm đó. Tổng cục thống kê đã đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư công, vì 01 đồng đầu tư công lan toả tới thu hút đầu tư tư nhân tới 4,2 đồng.

Trước đây, dù giải ngân đầu tư công không cao, năm 2019 chỉ 91% nhưng năm 2020 giải ngân rất tốt. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng 0,06%. Nếu giải ngân hết 2020 thì GDP tăng 0,42%.

Tôi vẫn đánh giá quan trọng nhất là nỗ lực của doanh nghiệp và đầu tư công.

Về yếu tố xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu, dù thế nào con người vẫn phải ăn, uống nên xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt.

Nhận định về điểm sáng của năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến những kịch bản kinh tế lạc quan gồm:

Một là, ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế: Tăng trưởng nhưng không hi sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Cái tốt nhất chính phủ làm là ổn định vĩ mô. Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.

Thứ hai, phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, nên là năm phục hồi nên chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021 tiếp tục của năm 2020.

Thứ ba, sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ 4, phục hồi sức mua trong nước. Số người mất việc làm đã làm giảm sức mua. Thống kê từ google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm. Chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới. Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Chúng ta là nền kinh tế mở, chúng ta có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Tuy nhiên sang năm 2021 sẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN.

Xem thêm "Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021" tại đây...

Chương trình Opening Day 2021 - “Finding yourself”của Đại học Mở Hà Nội

Sáng nay ngày 10/1/2021 tại Khu giảng đường Khoa Kinh tế - Đại học Mở Hà Nội đã diễn ra chương trình Opening Day 2021 ...

Bắt giữ hơn chục tấn quần áo đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc

Một số lượng lớn quần áo đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ mới được Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm ...

Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

Sáng nay ngày 8/1/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và ...

Quân Vương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm