Bội chi lên tới 6,33% GDP, nhiều tập đoàn thua lỗ
Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục thua lỗ, trong khi quản lý chi ngân sách nhà nước vẫn rất lỏng lẻo, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 26-8.
Nhiều DNNN thua lỗ
Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong năm 2015 cơ quan này đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của 234 tập đoàn, tổng công ty.
Có 5/38 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ. Cụ thể, Vinalines lỗ hơn 3.478 tỉ đồng, Tổng công ty 15 lỗ hơn 471 tỉ đồng, Vinaincon lỗ hơn 131 tỉ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỉ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2014 của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm 10,45%, Vinaconex giảm 3,3%.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn như MobiFone có 331 tỉ đồng nợ khó đòi (chiếm 30,4% nợ phải thu), Hapro nợ khó đòi là 376 tỉ đồng, Vinataba nợ khó đòi 86 tỉ đồng… MobiFone chưa thực hiện đúng doanh thu, chi phí, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mãi, về xác định và báo cáo giá thành.
PetroVietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa mở tài khoản tại ngân hàng để theo dõi riêng quỹ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định. Một số đơn vị khác chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương.
Qua kiểm toán, các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng 6.220 tỉ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm gần 4.563 tỉ đồng, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) phải nộp thêm 758 tỉ đồng, Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp thêm 210 tỉ đồng, Công ty Thông tin di động Việt Nam (MobiFone) phải nộp thêm 201 tỉ đồng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phải nộp thêm 128 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp thêm 99 tỉ đồng...
Hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng, hệ số nợ phải trả cao, đầu tư vào bất động sản thất bại, phản ánh không đúng thu chi… là những hạn chế, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty.
Bội chi lên tới 6,33% GDP
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 249.362 tỉ đồng, vượt 25.362 tỉ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế.
Dù báo cáo cho rằng, tỷ lệ này giảm so với tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 (6,6%) nhưng không phù hợp với định hướng giảm bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015. Hơn nữa, số bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 đã lớn hơn chi đầu tư phát triển 910 tỉ đồng, không đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước theo quy định khoản 1, Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước.
Báo cáo kiểm toán cho biết, Ngân sách Nhà nước năm 2014 có mức chi thường xuyên theo dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao là hơn 704.000 tỉ đồng, quyết toán hơn 723.000 tỉ đồng (tăng 2,7%).
Hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. Có 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định.
Trước tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán, KTNN kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn hơn 1.600 tỉ đồng.
Cơ quan này cho biết, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản công; sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt định mức về số lượng ô tô, chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm; còn một số địa phương mua ô tô không phù hợp với mục đích trang bị; điều chuyển ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn