Bộ trưởng Tài chính: Việt Nam bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử

Cập nhật: 15:00 | 09/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại phiên chất vấn sáng 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi tình trạng gian lận kê khai, trốn thuế trong kinh doanh online, nền tảng số vẫn rất lớn.

Top 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam 2022

Các sàn thương mại điện tử "lên ngôi" trong đại dịch Covid-19

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu tỉnh Bến Tre, đưa thông tin ước tính mỗi năm ngành thuế thất thu khoảng 85% thuế phải thu từ các nền tảng số như Facebook, Google... Việc này có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đại Thắng, đại biểu đoàn Hưng Yên, yêu cầu Bộ Tài chính phải đưa giải pháp để quản lý doanh thu đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, tránh việc gian lận, trốn thuế từ hoạt động này.

3513-thuongmaidientu
Ảnh minh họa

Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là lĩnh vực rất mới, hiện đã bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh công nghệ. Mặc dù Bộ Tài chính ban hành thông tư yêu cầu chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho những người tham gia sàn, nhưng không được đồng thuận.

Do đó, Bộ Tài chính đang dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, bởi khó khăn hiện nay là người tham gia sàn thương mại điện tử có thể ở ngước ngoài, chứ không chỉ ở Việt Nam.

Theo ông Phớc, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử gồm cả trong và ngoài nước nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ. Bộ Tài chính đã xây dựng cổng, quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để các sàn thương mại điện tử cũng như các ông chủ công nghệ đăng ký nộp thuế. Nhưng việc này khó, ngành sẽ cố gắng.

Để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho biết các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Thông tin & Truyền thông kiểm tra các sàn TMĐT, Zalo, Facebook và một số nền tảng khác, để truy thu thuế. Về lâu dài, trưởng ngành tài chính nói sẽ phải xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu qua hệ thống ngân hàng.

Ông cũng thông tin thêm, các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, Youtube... đã đăng ký nộp thuế đầy đủ qua cổng thông tin nộp thuế xuyên biên giới. Vừa qua Facebook nộp 1.965 tỷ đồng, Google là 1.902 tỷ, Microsoft là 651 tỷ đồng. Hết quý I năm nay, phí phát sinh của TikTok khoảng 45,6 tỷ đồng...

Theo Bộ Tài chính, hoạt động quản lý thu thuế đối với hàng hóa, nền tảng dịch vụ xuyên biên giới theo quy định hiện hành được thực hiện thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu bình quân trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Năm 2018 số tiền thuế thu từ hoạt động TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2022 đạt 437 tỷ đồng.

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, tính đến hết tháng 4, cơ quan thuế đã thu được số tiền thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được khoảng 735 tỷ đồng.

Hiện Việt Nam có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác.

Ngành thuế đã truy thu được hơn 5.000 tỷ đồng thuế từ các sàn thương mại điện tử. Vài tháng đầu năm nay, số thuế thu được gần 500 tỷ đồng.

Yến Ly