Thuế - Bảo hiểm

Bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh có nhiều cơ hội để quản lý và phát triển mô hình kinh tế

Lê Thành 28/05/2025 04:05

Từ 1/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng phải dùng hóa đơn điện tử và kê khai thuế thay cho hình thức thuế khoán như hiện tại.

Bỏ thuế khoán – cuộc chuyển mình mang tính bước ngoặt

Từ ngày 1/6/2025, hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể trên cả nước sẽ chính thức nói lời chia tay với hình thức thuế khoán – một phương pháp thu thuế đã gắn bó hàng chục năm. Thay vào đó, họ sẽ bước vào kỷ nguyên kê khai thuế định kỳ, sử dụng hóa đơn điện tử, máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Đây được coi là một cuộc chuyển mình mang tính bước ngoặt, góp phần thúc đẩy minh bạch và công bằng trong thu ngân sách. Nhưng với không ít người kinh doanh nhỏ, sự thay đổi ấy lại là áp lực lớn chưa từng có.

nguoi-nop-thue.jpg
Thuế khoán là hình thức nộp thuế phổ biến với các hộ kinh doanh cá thể

Trong hàng chục năm qua, thuế khoán là hình thức nộp thuế phổ biến với các hộ kinh doanh cá thể. Khác với doanh nghiệp phải lập sổ sách kế toán, ghi nhận từng khoản thu chi, hộ kinh doanh theo phương pháp khoán chỉ cần nộp thuế theo mức cố định hàng tháng hoặc quý. Mức này do cơ quan thuế ấn định dựa trên ước tính doanh thu, quy mô, mặt bằng kinh doanh… mà không yêu cầu hộ kinh doanh kê khai cụ thể hay xuất trình chứng từ. Không sổ sách, không phần mềm, không phải lập hóa đơn – đó là lý do vì sao thuế khoán được coi là "dễ thở" và tồn tại lâu dài trong nền kinh tế phi chính thức.

Tuy nhiên, trong một môi trường kinh doanh đang chuyển mạnh sang số hóa, cách làm này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Với cơ quan quản lý, thuế khoán khiến việc thu thuế thiếu chính xác, dễ thất thu ngân sách và khó kiểm soát thực chất doanh thu. Với người dân, thuế khoán đôi khi lại không công bằng: Có người bán hàng chục triệu mỗi tháng nhưng vẫn đóng mức thuế thấp nhờ "khai thấp", trong khi người thật sự nhỏ lẻ lại bị khoán quá tay, không tương xứng với thực tế kinh doanh.

Đó là lý do vì sao Chính phủ quyết định thay đổi. Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu từ 1 tỉ đồng mỗi năm trở lên sẽ bắt buộc chuyển sang hình thức kê khai thuế định kỳ. Các hộ này cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế và trang bị máy tính tiền hoặc phần mềm bán hàng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Quy định này áp dụng với nhiều lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ, làm đẹp, vận tải, lưu trú… vốn có lượng giao dịch lớn và tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Ông Đinh Thái Quang, Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam cho biết: “Hệ thống thuế khoán tuy thuận tiện cho hộ kinh doanh nhỏ và cơ quan thuế, nhưng lại thiếu minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực và tiềm ẩn nguy cơ thất thu ngân sách. Việc chấm dứt hình thức này là bước đột phá mang tính tất yếu để bảo đảm công bằng, minh bạch và hội nhập với chuẩn mực kinh tế thị trường hiện đại”.

Việc bỏ thuế khoán còn giúp ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh kê khai doanh thu không chính xác để trốn thuế hoặc “thỏa thuận” ngầm với cán bộ thuế địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, khi chính thức hóa hoạt động, các hộ kinh doanh cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tham gia các chương trình hỗ trợ, bảo hiểm xã hội, y tế cùng nhiều chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

Không phải một sớm một chiều

Thế nhưng, không ít hộ kinh doanh đang cảm thấy bối rối trước bước ngoặt này. Họ không chỉ phải làm quen với phần mềm xuất hóa đơn, sử dụng máy tính tiền và có kết nối mạng, mà còn phải học cách lập sổ sách, kê khai thuế hàng tháng hoặc quý – những thứ vốn chỉ quen thuộc với doanh nghiệp. Sự thay đổi này với nhiều người là cú sốc thật sự.

Những quán ăn di động trên sông tại Chợ Nổi Cái Răng - Du Lịch Miền Tây
Nhiều tiểu thương phải thay đổi để tuân thủ chính sách thuế từ 1/6 tới

Chị Hồng – chủ một tiệm bánh ngọt tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Mình bán bánh tại nhà gần 8 năm nay, khách chủ yếu quen biết, thanh toán tiền mặt, chẳng khi nào ghi sổ. Giờ bắt kê khai từng hóa đơn, từng khoản chi, mình không biết bắt đầu từ đâu. Thuê người làm thì tốn kém, mà tự học thì sợ sai lại bị phạt".

Tình trạng này không hiếm gặp. Dù cơ quan thuế đã mở nhiều lớp tập huấn, triển khai cẩm nang hướng dẫn trực tuyến, nhưng sự tiếp cận vẫn còn chưa đồng đều, đặc biệt với những người không quen sử dụng công nghệ hoặc lớn tuổi.

Ông Nguyễn Ngọc Tịnh – Phó Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam cho biết tình trạng lúng túng này đang phổ biến. Một số chi cục thuế hiện cho phép hộ kinh doanh lập bảng kê đầu vào để ghi nhận phần hàng tồn kho không có hóa đơn, nhưng về mặt pháp lý hiện chưa có căn cứ rõ ràng cho việc này.

Ông Tịnh nói: "Khi dữ liệu bán ra (doanh thu) tăng mà không có chứng từ đầu vào hợp lệ, hệ thống sẽ cảnh báo và cơ quan thuế rất dễ mời lên làm việc. Rủi ro nằm ở việc không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa đã bán, dù đó là hàng tồn kho từ nhiều năm trước".

Sự lo lắng này cho thấy hộ kinh doanh cần được hỗ trợ nhiều hơn trong giai đoạn chuyển đổi. Việc kê khai thuế, sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ là áp lực hành chính mà còn đòi hỏi hộ kinh doanh nâng cao khả năng quản lý tài chính và vận hành hiện đại.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, thay đổi này là cơ hội để các hộ kinh doanh cá thể tiến gần hơn đến sự chuyên nghiệp. Khi đã làm quen với hóa đơn, sổ sách và quản trị tài chính bài bản, hộ kinh doanh sẽ dễ dàng hơn trong việc mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu và thậm chí là tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thức.

Anh Hùng, chủ cửa hàng tạp hóa ở Phú Thọ bày tỏ: “Mình cũng thấy lo lắng vì phải làm quen với máy móc, giấy tờ nhiều hơn. Nhưng nghĩ lại, nếu làm đúng, kê khai rõ ràng thì khách hàng cũng tin tưởng hơn, mình cũng đỡ lo bị phạt sai phạm”.

Thực tế đã chứng minh, nhiều hộ kinh doanh khi tự nguyện chuyển sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ đã không chỉ duy trì được lợi thế cá nhân hóa, mà còn tận dụng được các chính sách hỗ trợ như khấu trừ thuế đầu vào, đăng ký sở hữu trí tuệ, hoặc tham gia các sàn thương mại điện tử một cách chính danh.

Tất nhiên, không ai mong muốn một sự chuyển đổi quá đột ngột. Việc xóa bỏ thuế khoán cần lộ trình phù hợp, sự hướng dẫn tận tình và những chính sách hỗ trợ thiết thực. Cơ quan thuế cần chủ động phối hợp với các tổ chức công nghệ để cung cấp phần mềm miễn phí hoặc giá rẻ, đơn giản hóa thao tác, tổ chức “cầm tay chỉ việc” cho những người lần đầu tiếp xúc với hóa đơn điện tử.

Chia tay thuế khoán không phải là chuyện của một ngày. Đó là hành trình từ thói quen cũ sang nếp nghĩ mới, từ kinh doanh “tay bo” sang quản lý bài bản, có hệ thống. Với nhiều người, đây chắc chắn là áp lực không nhỏ. Nhưng nếu vượt qua, họ không chỉ làm đúng pháp luật, mà còn nâng tầm hoạt động của chính mình trong một môi trường kinh doanh hiện đại và bền vững hơn.

Bởi trong cuộc chơi mới của nền kinh tế số, không ai muốn bị bỏ lại phía sau, kể cả những người khởi đầu từ một chiếc xe hàng nhỏ bên lề phố.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh có nhiều cơ hội để quản lý và phát triển mô hình kinh tế
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO