Bỏ sau lưng vụ mùa bấp bênh, nông dân tỉnh Thanh Hóa dựng những "mái nhà" bạc tỷ, mỗi vụ dễ dàng cầm về tay hàng trăm triệu đồng
Nông dân Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư mô hình độc đáo, giúp nâng cao năng suất, thu nhập và tạo việc làm mới ở địa phương.
Từ nuôi tôm quảng canh đến những mô hình hiện đại
Xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa mới, được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của các xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu và Hoằng Châu cũ. Với diện tích tự nhiên hơn 33 km², xã có nhiều vùng thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), vốn là ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Trước đây, nhiều hộ nông dân địa phương chủ yếu nuôi tôm quảng canh. Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu, môi trường và dịch bệnh đã buộc bà con phải chuyển hướng. Trong hơn 5 năm trở lại đây, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm rủi ro, gia tăng năng suất.

Một trong những mô hình điển hình là trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Suốt (thôn Châu Triều). Ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi quảng canh sang lắp đặt hệ thống 12 bể nuôi có mái che, diện tích mỗi bể hơn 500 m², kèm hệ thống xử lý nước và điều hòa nhiệt độ. Dù lứa nuôi đầu tiên thất bại do thiếu kinh nghiệm, nhưng ông Suốt đã quyết tâm đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật. Nhờ tích lũy kiến thức thực tiễn, ông cải tạo hệ thống bể và kiên trì theo đuổi mô hình mới.
Hệ thống bể nuôi có mái che giúp tôm phát triển ổn định, ít phụ thuộc thời tiết. Gia đình ông sử dụng men vi sinh xử lý đáy bể, duy trì môi trường nước sạch, đồng thời áp dụng khẩu phần thức ăn bảo đảm dinh dưỡng. Trung bình mỗi năm, ông có thể nuôi gối 3–4 vụ, đạt năng suất cao. Mỗi vụ thành công mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 3 lao động chính và hàng chục lao động thời vụ.
Nuôi cua lột – hướng đi mới gia tăng giá trị thủy sản
Ngoài tôm thẻ chân trắng, cua thịt cũng là sản phẩm quen thuộc ở xã Hoằng Châu. Tuy nhiên, thị trường ngày càng ưa chuộng cua lột – sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều lần. Nhận thấy tiềm năng, ông Lê Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH SH79, đã đầu tư mô hình nuôi cua lột trong nhà có mái che, diện tích gần 1 ha.

Quy trình nuôi cua lột yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Cua được chọn lọc kỹ lưỡng, có trọng lượng từ 150–250 g, khử khuẩn rồi cho vào các lồng nhựa riêng biệt. Trong quá trình nuôi, cua được chăm sóc hàng ngày, kiểm soát nhiệt độ, độ mặn, vệ sinh bể để cua lột vỏ đều. Thức ăn là hải sản tươi như cá trích, ngao, vẹm, giúp cua tăng trưởng nhanh và bảo đảm chất lượng thịt.
Sản phẩm cua lột của Công ty TNHH SH79 được thị trường đón nhận tích cực, giá bán dao động 800.000–1.000.000 đồng/kg. Năm 2023, mô hình được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Với sản lượng khoảng 5 tấn cua lột mỗi năm, mô hình không chỉ nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp mà còn khuyến khích nhiều hộ nông dân tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật mới.
Hướng đến phát triển thủy sản bền vững
Sự chuyển đổi từ mô hình quảng canh sang thâm canh, công nghệ cao đang mở ra triển vọng mới cho ngành thủy sản Hoằng Châu. Các mô hình này cho thấy hiệu quả rõ rệt: nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập, tạo việc làm và hình thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ.
Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ phát triển là những thách thức về môi trường. Việc xử lý nước thải, kiểm soát dư lượng hóa chất, quản lý dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Lãnh đạo xã Hoằng Châu khẳng định, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác quy hoạch vùng NTTS, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Hướng phát triển đặt mục tiêu vừa gia tăng sản lượng và giá trị sản phẩm, vừa bảo đảm các yêu cầu về môi trường, tránh khai thác quá mức tài nguyên tự nhiên.
Với nỗ lực chuyển đổi mô hình nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, các hộ nuôi tôm, cua ở xã Hoằng Châu đang góp phần xây dựng thương hiệu thủy sản sạch và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.