Mô hình mới

Bỏ lối canh tác lâu đời, nông dân Đắk Lắk âm thầm tạo ra mô hình "đa bản sắc", thu nhập mang lại cũng phải vài trăm triệu mỗi năm

Tuấn Anh 04/07/2025 19:00

Từ mô hình mới lạ, nông dân Đắk Lắk đã và đang chuyển đổi phương thức sản xuất, xây dựng thương hiệu VietGAP, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Liên kết cùng phát triển

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Ea Na (huyện Krông Ana cũ, nay vẫn là xã Ea Na sau sáp nhập) đã chủ động hình thành các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là Tổ hợp tác (THT) trồng vải xã Ea Na, thành lập từ đầu năm 2019 với 35 thành viên, tổng diện tích canh tác hơn 30 ha.

Mô hình mới mang lại cho nông dân nguồn thu nhập ổn định
Mô hình mới mang lại cho nông dân nguồn thu nhập ổn định

Theo bà Mai Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na, THT ra đời nhằm hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giúp nông dân nâng cao năng suất và tạo thương hiệu nông sản địa phương. Các thành viên được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng quy trình.

Nhờ kiên trì áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chỉ sau hai năm, THT trồng vải Ea Na đã được Trung tâm Chất lượng nông – lâm – thủy sản vùng III công nhận đạt chứng nhận VietGAP và sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều hộ dân cho biết từ khi tham gia tổ hợp tác, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn, giá bán ổn định, thu nhập tăng rõ rệt.

Đa dạng hóa cây trồng, sản xuất sạch

Không chỉ dừng lại ở cây vải, nhiều hộ nông dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác. Anh Trần Hữu Quả, ở buôn Cuê, xã Băng Adrênh cũ là một trong số đó. Trên diện tích 1,5 ha đất vườn, anh Quả phát triển mô hình vườn rừng, trồng xen canh mãng cầu, sa chi, chuối, chanh dây, ổi, lạc tiên...

Mô hình sản xuất của gia đình anh Trần Hữu Quả
Mô hình sản xuất của gia đình anh Trần Hữu Quả (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Theo anh Quả, sau nhiều năm trồng cà phê, đất bạc màu, năng suất giảm. Khi quyết định cải tạo vườn, anh chủ động ngừng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển hoàn toàn sang sản xuất tự nhiên. Dù vất vả hơn, nhưng đổi lại, sản phẩm nông sản sạch của gia đình được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá cao hơn mặt bằng chung.

Mỗi vụ thu hoạch, anh chỉ cần thu gom và bán thô cho thương lái, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Mô hình này giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Quả chia sẻ: “Sản xuất sạch không chỉ để bán được giá hơn, mà còn tốt cho sức khỏe gia đình mình. Tôi thấy đây là hướng đi lâu dài.”

CLB Nông dân sản xuất an toàn: Điểm sáng mới

Tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp cũ), từ tháng 3/2024, Hội Nông dân huyện đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Ban đầu chỉ có 10 thành viên, nhưng CLB nhanh chóng trở thành điểm sáng nhờ cách làm bài bản, bám sát nhu cầu thực tế.

Sau khi thành lập, CLB được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp sạch, tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại, học tập kinh nghiệm từ các mô hình chuỗi giá trị ở địa phương khác. Các hội viên đã dần thay đổi nhận thức, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kiểm soát, có liên kết, có cam kết chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bung cũ cho biết: “CLB là mô hình bước đầu giúp nông dân tiếp cận kiến thức mới, đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế thuốc hóa học. Nhiều thành viên đã áp dụng thành công kỹ thuật sơ chế, bảo quản sản phẩm tại chỗ”.

Không chỉ tập trung sản xuất, Hội Nông dân huyện Ea Súp (cũ) phối hợp doanh nghiệp, tổ chức trung gian hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nhiều sản phẩm rau củ quả, nấm, trứng, thịt... đạt tiêu chuẩn an toàn, có thể tham gia hội chợ, ngày hội khởi nghiệp, mở rộng thị trường.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bỏ lối canh tác lâu đời, nông dân Đắk Lắk âm thầm tạo ra mô hình "đa bản sắc", thu nhập mang lại cũng phải vài trăm triệu mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO