Bộ Công thương: Đề xuất giảm thuế để kìm giá xăng

Cập nhật: 11:26 | 17/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều 16/6, trả lời các câu hỏi liên quan đến việc đảm bảo cung ứng xăng dầu và các giải pháp kìm giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải dừng sản xuất gây ảnh hưởng tới nguồn cung, nhưng việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, dừng bán "không có nghĩa là thiếu xăng".

Bảng giá xe máy Honda Air Blade 2022 mới nhất cuối tháng 6/2022 tại các phiên bản

Áp lực lạm phát: Thế giới thiếu dầu trầm trọng

Giá xăng dầu hôm nay 17/6/2022: Dầu thế giới quay đầu tăng mạnh

Kìm đà tăng giá

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, khẳng định luôn đảm bảo cung ứng xăng dầu và an ninh năng lượng, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối duy trì nguồn, đảm bảo cân đối cung cầu. Tuy nhiên, việc kiểm soát để tránh "tăng sốc" trước tác động của giá xăng dầu cần phải sử dụng công cụ như quỹ bình ổn, giảm thuế và phí.

"Bộ Công thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, doanh nghiệp liên quan tại thị trường trong nước về xăng dầu để đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các biện pháp giảm thuế", bà Nga nói và khẳng định với các biện pháp vừa qua đã giúp giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn giá thế giới.

2457-xangdau1
Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, dù Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi để giảm thuế bảo vệ môi trường, nhưng cần phải xem xét các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, bởi "cái gì giảm được thì nên giảm", nhưng cũng cần tính toán vì không phải giảm nhiều là tốt, bởi đây là "sự đánh đổi".

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả.

Bởi về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.

Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Chính vì vậy, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ông Thịnh nói thêm.

Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu thô toàn cầu sẽ khó có thể giảm trước những căng thẳng địa chính trị, do đó, theo diễn biến thế giới, giá xăng trong nước sẽ không thể hạ nhiệt. Để hỗ trợ người dân trước giá xăng, ông Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT Việt Nam cho hay có hai giải pháp tạm thời là giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu.

Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Tiếp theo, là giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như ôtô, máy bay... Bên cạnh đó, cần xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại phí để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Xăng tăng khiến nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Một tài xế chạy xe tuyến Hà Nội-Nội Bài chia sẻ, chỉ khoảng 1 năm trước, giá xăng chỉ ở ngưỡng hơn 20.000 đồng/lít, cước 1 chiều Hà Nội-Nội Bài từ 200.000 – 220.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi lượt chạy, lái xe cũng thu về được khoảng 100.000 đồng. Nhưng thời gian qua, giá xăng tăng mạnh, lên hơn 30.000 đồng/lít. "Dù giá cước cũng đã tăng theo lên 250.000 đồng/chiều, nhưng không ăn thua. Với mỗi cước chạy, giờ chỉ thu được về khoảng 50.000 đồng."

Nhiều tuần nay, tài xế này liên tục cho xe "đắp chiếu" hoặc chỉ chạy khách thân quen để giữ khách. Không chỉ ôtô mà ngay cả những shipper xe máy cũng đang chịu tác động rất mạnh từ giá xăng tăng.

Một shipper trên ứng dụng Aha cho biết, những đơn xa, mức cước rẻ thì đều được hủy chuyến hoặc chuyển sang các khung giờ thấp điểm, tránh đông đúc. Với mức cước từ 7-8km nhưng chỉ khoảng từ 30.000-40.000 đồng cước sẽ không đủ chi phí xăng xe. Thay vào đó, có thể chạy từ 5-6 chuyến gần 1-2km, nhàn hơn và đỡ tốn xăng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm